PHẦN I
ĐẤU THẦU XÂY LẮP - MỘT HÌNH THỨC QUẢN LÝ CÓ HIỆU QUẢ
TRONG NGÀNH XÂY DỰNG.
I. THỰC CHẤT CỦA ĐẤU THẦU
1. Giới thiệu chung về thầu xây lắp
Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp, khái niệm về đấu thầu các công trình của Nhà nước hay của tư nhân đều không được đề cập đến. Tuy nhiên, từ khi nền kinh tế nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước thì dần dần khái niệm đấu thầu đã được các tổ chức, đơn vị..., thuộc nhiều lĩnh vực quan tâm nghiên cứu, áp dụng trong các hoạt động của mình.
Để làm lành mạnh thị trường xây lắp, tăng cường hiệu lực quản lý. Ngày 01 tháng 9 năm 1999 Chính phủ đã ra nghị định số 88/ 1999/ NĐ-CP ban hành Quy chế Đấu thầu, thay thế Quy chế Đấu thầu đã ban hành kèm theo nghị định số 43/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 và Nghị định số 93/ CP ngày 23 tháng 8 năm1997 của Chính phủ . Đây là văn bản pháp quy hướng dẫn đấu thầu xây lắp các công trình xây dựng trong cả nước, quy định : các dự án thuộc sở hữu nhà nước đều phải tổ chức đấu thầu theo quy chế của nhà nước ban hành, các công trình có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, các công trình không thuộc quyền sở hữu của nhà nước nếu tổ chức đấu thầu cũng vận dụng theo quy chế này.
Đấu thầu nói chung là một phạm trù kinh tế gắn liền với nền kinh tế hàng hoá. Đó thực chất là một hình thức để chọn mua một số hàng hoá nào đó với mức giá có thể chấp nhận được trong điều kiện có một người mua nhưng lại có nhiều người muốn bán.
Đối với Doanh nghiệp xây dựng thì hoạt động đấu thầu xây lắp là vấn đề mà họ rất quan tâm để ký kết được hợp đồng, qua đó tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng doanh thu..., vì thế các Doanh nghiệp cần phải có những nhận thức cơ bản về hoạt động đấu thầu xây lắp. Một hình thức cạnh tranh đặc thù của các Doanh nghiệp xây dựng. Trong lĩnh vực xây dựng, đấu thầu là một phương thức cạnh tranh nhằm lựa chọn Đơn vị nhận thầu (khảo sát thiết kế, xây lắp công trình, mua sắm thiết bị...,) có khả năng đáp ứng các yêu cầu của dự án.
Chúng ta có thể tóm tắt nội dung cơ bản của đấu thầu xây lắp như sau:
* Chủ đầu tư (thường gọi là bên A là người có nhu cầu xây dựng công trình) đưa ra các yêu cầu của mình về dự án và thông báo cho các Nhà thầu.
* Các Nhà thầu (thường gọi là bên B) căn cứ vào yêu cầu của Chủ đầu tư sẽ đưa ra các phương pháp thi công xây lắp và trình bày các năng lực của mình để chủ đầu tư xem xét đánh giá và tổ chức lựa chọn.
Thực chất của đấu thầu trong xây lắp là việc ứng dụng phương pháp xét hiệu quả kinh tế trong việc lựa chọn tổ chức thi công xây dựng. Đây cũng là một biện pháp quản lý kinh tế - kỹ thuật trong xây dựng, và là một phương pháp áp dụng phổ biến nhất để tranh giành hợp đồng xây dựng giữa các nhà thầu muốn xây dựng công trình.
Thông qua việc tổ chức đấu thầu thúc đẩy các chủ đầu tư và các nhà thầu phải tính toán hiệu quả kinh tế nhằm tiết kiệm vốn đầu tư, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và thời gian xây dựng công trình, nhanh chóng đưa vào sử dụng.
Vì vậy phải có một cách nhìn nhận đúng đắn về đấu thầu trong xây lắp. Nó không phải là một thủ tục thuần tuý, trên thực tế đây là một công nghệ hiện đại, một hệ thống các giải pháp cho những vấn đề không thể bỏ qua trong sự phối hợp giữa các chủ thể trực tiếp liên quan đến các quá trìnn xây dựng, cung ứng thiết bị và mục đích là đảm bảo cho quá trình này thực hiện với kết quả tối ưu xét theo quan điểm tổng thể: tối ưu về chất lượng, kỹ thuật và tiến độ, về tài chính, đồng thời hạn chế tối đa những diễn biến căng thẳng về quan hệ và phương hại uy tín của các bên hữu quan.
Hiện nay đấu thầu được sử dụng như là một điều tất yếu trong nền kinh tế thị trường .
2. Đặc điểm của đấu thầu xây lắp
Đặc điểm cơ bản của phương thức đấu thầu là yếu tố cạnh tranh trong nhận thầu. Đây là một hoạt động mua bán, nhưng nó khác với những vụ mua bán thông thường ở chỗ nó mua bán công việc, ở đây Người mua là chủ đầu tư, Người bán là các nhà thầu. Chủ đầu tư sẽ chọn người bán nào có giá thấp nhất với các công việc như nhau.
Theo quan điểm của Nhà thầu thì đấu thầu có hình thức may rủi. Đôi khi Nhà thầu sẽ thắng cuộc trong khi cho rằng giá của mình khá cao, đôi khi lại thất bại khi nghĩ rằng giá của mình quá thấp. Khi đã giành được hợp đồng, Nhà thầu thường dùng đến các yêu sách đòi hỏi để đảm bảo lợi nhuận thực tế cao, vì đơn dự thầu gốc dựa trên cơ sở dự toán chi phí thấp.
Theo lý thuyết về hành vi người tiêu dùng thì trong một vụ mua bán bao giờ người mua cũng cố gắng để mua được hàng với giá thấp nhất mà chất lượng vẫn đảm bảo, trong khi đó người bán lại cố gắng bán được mặt hàng đó với giá cao nhất. Do đó nảy sinh sự cạnh tranh giữa người mua và người bán. Giữa các nhà thầu thì cố gắng cạnh tranh với nhau để bán được hàng. Thông qua đó sẽ tìm được nhà thầu nào có giá rẻ nhất, mà vẫn đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.
3. Mục tiêu của đấu thầu xây lắp trong nền kinh tế thị trường
a. Với nhà nước:
- Thông qua hoạt động đấu thầu nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tập trung (vốn do ngân sách nhà nước cấp) tránh lãng phí không đáng có trong quá trình thực hiện dự án do sự móc ngoặc giữa A và B
- Đấu thầu góp phần đổi mới quản lý hành chính nhà nước với hoạt động đầu tư và xây dựng.
Trước kia trong xây dựng cũng như các ngành kinh doanh khác, nhà nước quản lý từ trên xuống dưới, mọi quyết định như xây dựng công trình nào, ai thi công, vốn bao nhiêu, thời gian xây dựng trong bao lâu, ... đều do nhà nhà nước trực tiếp điều khiển như vậy tạo ra sự yếu kém về tiến độ thi công, về chất lượng công trình, lãng phí vốn, ... với cơ chế đấu thầu mới nhà nước chỉ còn quản lý sản phẩm cuối cùng tức là công trình đã hoàn chỉnh với chất lượng đảm bảo.Việc thi công như thế nào, giá thi công là bao nhiêu là tuỳ thuộc vào các nhà thầu khác nhau đưa ra khi tham ra ký kết hợp đồng (giá hợp lý)..., Nhà nước không còn quản lý như trước nữa mà trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng giờ đây chủ yếu chuyển sang việc nghiên cứu ban hành các chính sách, quy chuẩn về xây dựng để điều tiết trong lĩnh vực này.
b. Với chủ đầu tư
- Thông qua đấu thầu, chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu nào có năng lực đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, tiến độ, trình độ thi công và giá cả hợp lý của công trình.
- Chống độc quyền giá cả của các nhà thầu, và do đó có thể quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư xây dựng.
- Tạo cơ hội nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, kỹ thuật của chủ đầu tư.
- Kích thích cạnh tranh giữa các nhà thầu, do đó có thể thúc đẩy quá trình hoàn thiện lực lượng sản xuất của các nhà thầu.
c. Đối với nhà thầu
- Với hình thức công khai và bình đẳng, tổ chức đấu thầu đảm bảo tính công bằng đối với các thành phần kinh tế, không phân biệt đối xử giữa các Nhà thầu.
- Do phải cạnh tranh nên tất yếu các Nhà thầu đều phải tìm mọi biện pháp để ngày càng đổi mới kỹ thuật công nghệ cũng như cách thức thực hiện để có thể hy vọng nhận được thầu trong tương lai. Hơn nữa các Nhà thầu sẽ có trách nhiệm cao đối với công việc nhận thầu nhằm giữ uy tín đối với khách hàng, do vậy chất lượng công trình được nâng cao, giá thành xây dựng được chú trọng.
- Để thắng thầu, các nhà thầu cần phải nâng cao trình độ quản lý, năng lực của đội ngũ cán bộ trong việc chuẩn bị hồ sơ dự thầu cũng như toàn bộ nhân viên trong Doanh nghiệp.
Chúng tôi trên mạng xã hội