Đóng quan tài - Nghề hốt bạc ở Iraq

Từ khi quân Mỹ đổ bộ vào Iraq năm 2003, không ngày nào ở Iraq ngưng tiếng súng. Hàng chục có khi cả trăm người chết mỗi ngày khiến những cửa hàng bán quan tài liên tục “cháy hàng”.
Đóng quan tài - Nghề hốt bạc ở Iraq

Một chiếc quan tài ở Iraq hiện nay có giá bằng một chiếc tủ đứng hàng hiệu, mặc dù đóng một cỗ quan tài đơn giản hơn nhiều so với đóng một chiếc tủ đứng.

Xưa kia, số thợ làm nghề đóng quan tài ở Iraq rất hiếm. Mà có thì phần lớn là những tay thợ mộc tay nghề tầm tầm.

Gỗ dùng để đóng quan tài phần nhiều là gỗ tạp và nhẹ, đóng đơn giản, không cần công nghệ cao siêu phức tạp.

Gia quyến người quá cố cũng không đòi hỏi quá khắt khe về hình thức quan tài, không cần chạm khắc rồng, phượng cầu kỳ, phết vẽ hoa văn lòe loẹt, bởi họ chỉ mong sao sớm chôn cất cho xong.

Do chiến tranh nên nghề thêm hưng thịnh

Trong cuộc chiến tranh Iran – Iraq dai dẳng trước kia, riêng Iraq đã có mấy chục vạn người chết trận, khiến nghề đóng quan tài của Iraq càng ngày càng hưng thịnh theo nhịp độ chiến tranh leo thang, đồng thời cũng gây áp lực ghê gớm cho nghề đóng quan tài.

Hiện nay các đền thờ Hồi giáo và các sở “tịnh thân” cũng không thể thỏa mãn việc cung cấp quan tài theo nhu cầu. Thế là Bộ chỉ huy của quân đội Iraq hạ lệnh cho các đơn vị cấp lữ đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn, thậm chí cả cấp đại đội tổ chức đóng quan tài.

Trong chiến tranh, người ta thường xuyên bắt gặp những chiếc xe tải quân sự chở đầy quan tài rỗng, trận tuyến nhích tới đâu, xe chở quan tài theo sau đến đấy, ấy vậy mà nhiều khi vẫn “cháy" quan tài!

Từ trước tới nay, tại Iraq không phải tất cả những người chết vì bị tử hình hay chết trận đều được nằm trong quan tài, không ít người chỉ được gói trong bao nylon.

Quan tài binh lính kém xa quan tài sĩ quan, quan tài lính sơ sài bằng gỗ tạp, quan tài sĩ quan gỗ tốt dày và chắc.

Chạy theo thời cuộc

Ngay cạnh cổng vào nghĩa trang Katimia, thủ đô Baghdah có một cửa hàng quan tài, chủ cửa hàng tên là Al-Abbas. Nhằm cung ứng kịp thời nhu cầu chôn cất, ông ta thường xuyên phải làm thêm ca, thêm giờ. Hiện trong cửa hàng kiêm xưởng chế tác của Al-Abbas có cả núi quan tài xếp từng hàng.

Ông ta kể, trước kia ông ta chỉ bán loại quan tài “ngoại cỡ”, cả tuần lễ may ra mới bán được một cỗ. Còn ngày nay, Chính phủ liên tiếp cho người tới đặt hàng.

Đặc biệt là 2 bệnh viện tại khu Khadih và khu Al-Muk của thủ đô Baghdah, Bệnh viện Quốc gia thường xuyên gọi điện mua quan tài để nhanh chóng đưa thi thể của những người chết vì bom đạn Mỹ và “bom xe” “bom người” của bọn khủng bố về gia đình.

Theo tiết lộ, thì cửa hàng của Al-Abbas mỗi ngày phải cung cấp cho phòng mổ của riêng Bệnh viện Al-Mukh đến 20 cỗ quan tài, còn Bệnh viện Quốc gia Baghdah mỗi ngày cần từ 50 đến 100 cỗ quan tài.

Cung không kịp cầu

Tại ngoại ô Baghdah có người thợ mộc tên là Tahir. Sau khi quân Mỹ đổ vào Iraq năm 2003, ông ta liền chú tâm vào kinh doanh quan tài. Xưởng mộc của ông thường xuyên đáp ứng một nửa lượng quan tài cần dùng trong khu vực.

Khu vực này sát với dòng sông Tigris, ở đây người ta dễ dàng mua được những cỗ quan tài bằng gỗ, bằng lau sậy và cả bằng tôn lá. Xưởng mộc của Tahir nằm ngay cạnh doanh trại Vệ binh Quốc gia và căn cứ quân sự Mỹ.

Cứ sau mỗi lần vây ráp, đụng độ hoặc đánh bom xe, bom tự sát, xưởng mộc của ông lại nhộn nhịp hẳn, người ta ngồi xếp hàng dài để chờ lấy quan tài.

Tahir kể rằng, hiện nay mỗi ngày cửa hàng của ông bán được 10 đến 15 cỗ quan tài, mỗi khi có sự kiện đột biến, số người chết tăng vọt, có ngày cao điểm ông xuất tới 100 cỗ quan tài.

Đóng không xuể, ông phải cho người đi mua gom ở các “lò” nhỏ lẻ, mặt khác phải thuê cả đám trẻ con vào giúp việc. Sau khi chính phủ mới lên thay, ông đã bán cho họ được tới hơn 300 cỗ quan tài và bán cho các đền thờ Hồi giáo được gần 200 cỗ.

Sahim đã làm công trong cửa hàng quan tài của Tahir một thời gian. Anh ta nói rằng làm việc ở đây quá cực, làm không ngơi tay.

Khi những chiếc xe tải nhà binh chở cả đống xác chết đỗ cạnh đền thờ Hồi giáo và trước cửa cơ quan từ thiện, chủ cửa hàng cuống lên, chẳng còn biết xoay xở ra sao bởi họ không thể trong chốc lát cung ứng được cả chục cỗ quan tài.

Bình thường thì đền thờ Hồi giáo chỉ chuẩn bị sẵn một vài cỗ quan tài, còn cơ quan từ thiện thường là không có. Họ chỉ cách đánh ôtô tới trước cửa xưởng mộc đứng chờ.

Hiện tại việc dành cho mỗi người thiệt mạng đều được nằm trong quan tài theo tục lệ là rất khó, nhất là với những người vô thừa nhận. Dân chúng lớn tiếng yêu cầu chính phủ phải bỏ tiền ra đầu tư một số cơ sở chuyên đóng quan tài để cung cấp cho quân lính và dân chúng.

Công nghệ sơ sài nhưng hốt bạc

Loại quan tài phổ thông ở Iraq thường có chiều dài 2m, rộng 40x80cm, nguyên liệu chủ yếu là ván tấm không dày và đinh sắt. Phần nhiều là ván gỗ tận dụng, như ván gỗ của các thùng chè và thùng máy nhập khẩu.

Các công đoạn chọn ván, giá thành chế tác không cao. Tùy theo chất lượng gỗ mà mỗi cỗ có giá từ 40.000 đến 70.000 dinar. Cỗ quan tài sang trọng một chút còn mời nhà thư pháp tới viết hoặc khắc trên nắp một đoạn kinh Koran cho long trọng.

Khoản tiền mua một cỗ quan tài có khi đủ mua một chiếc tủ đứng hàng hiệu. Nhưng nên biết rằng đóng một cỗ quan tài đơn giản hơn nhiều so với đóng một chiếc tủ đứng, thế mới biết nghề đóng quan tài hốt bạc đến mức nào.

Tác giả bài viết: Phạm Quang Tùng

Nguồn tin: Sưu tầm từ internet

Array
(
    [type] => 8192
    [message] => preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead
    [file] => /home/pwhqfmvb/GiangVien/includes/countries.php
    [line] => 435
)