Tăng cường giám sát xã hội ở kỳ thi tốt nghiệp THPT

 Tăng cường giám sát xã hội ở kỳ thi tốt nghiệp THPT
(Dân trí)-Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục thực hiện phân cấp, giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các địa phương trong việc tổ chức thi, tăng cường sự giám sát của xã hội, chấm thẩm định bài thi... Nếu phát hiện ra sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

Đó là những thông tin được Bộ GD-ĐT đưa ra tại hội nghị thi và tuyển sinh năm 2013 được tổ chức trực tuyến tại 6 điểm đầu cầu (Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Cần Thơ, TPHCM và Đà Nẵng) nhằm bàn bạc để đi đến thống nhất phương án trước khi ban hành văn bản chính thức.

Điểu chỉnh, bổ sung điểm mới để khắc phục bất cập

Phương hướng của kì thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng như kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT dự định chính thức đưa vào quy chế thi quy định cho phép học sinh mang thi thiết bị ghi âm, ghi hình, chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp, tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác, để tăng cường sự giám sát của xã hội đối với công tác coi thi.
Quang cảnh Hội nghị ở đầu cầu Hà Nội.
Quang cảnh hội nghị ở đầu cầu Hà Nội.

Bổ sung quy định về việc chấm kiểm tra tối thiểu 5% bài thi các môn thi tự luận; Bộ tổ chức Hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để đảm bảo thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời, phục vụ công tác chỉ đạo, tổ chức thi từ Trung ương đến địa phương.

Việc đưa ra những điểm bổ sung mới này nhằm khắc phục những bất cập vừa được Bộ GD-ĐT công khai sau khi chấm thẩm định 16 tỉnh/thành phố.

Liên quan đến đề thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ tiếp tục được đổi mới công tác đề thi, theo hướng ứng dụng các thành tựu của khoa học đánh giá, ma trận đề thi; ra đề theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị - xã hội và yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp.

Về trách nhiệm triển khai các kỳ thi phổ thông năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế thi hiện hành và ban hành đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các văn bản hướng dẫn về công tác tổ chức các kỳ thi năm 2013, theo hướng tăng cường sự giám sát xã hội và các chủ thể liên quan trong tổ chức thi, bổ sung các chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; trong đó, quy định về việc cung cấp và tiếp nhận thông tin, bằng chứng phản ánh tiêu cực sai phạm; bổ sung mỗi Hội đồng chấm thi một tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận, độc lập với các tổ chấm thi, thực hiện chấm lại để kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi do các giám khảo đã chấm xong, theo tiến độ chấm của Hội đồng chấm thi, nhằm tăng cường các biện pháp đảm bảo tính khách quan trong chấm thi tự luận.

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát trong tất cả các khâu của kỳ thi ở các địa phương, đơn vị. Kịp thời phát hiện và xử lí nghiêm túc, dứt điểm các hành vi vi phạm quy chế.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng cải tiến công tác biên soạn đề thi theo hướng kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng suy luận của thí sinh, phù hợp với nội dung chương trình và thời gian quy định cho từng môn thi, có khả năng phân loại được học sinh. Xây dựng ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm đủ lớn, nâng cao chất lượng đề thi, đảm bảo tính khoa học và phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để tăng cường phổ biến rộng rãi các chủ trương, chính sách của ngành về các kỳ thi phổ thông; đặc biệt phổ biến về những nội dung đổi mới so với các năm trước.

Trường và địa phương lo lắng về quy định mới

Tại hội nghị này không chỉ đại diện đến từ các Sở GD-ĐT mà ngay cả các trường ĐH, CĐ cùng bày tỏ sự âu lo về quy định cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình, chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi. Đại diện các đầu cầu truyền hình đều chung quan điểm với việc cho phép như vậy sẽ gây khó khăn cho việc tổ chức thi bởi với công nghệ hiện nay rất khó để phát hiện ra các thiết bị nào thì được phép. Khi có vấn đề gì xảy ra thì do đơn vị tổ chức thi lại là người chịu trách nhiệm.

“Chúng ta không thể chạy theo dư luận để mà thay đổi, không vì vụ việc ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) mà phải đưa ra quy định gây khó dễ cho ngành. Ở đây thanh tra, giám thi, lực lượng bảo vệ... có trách nhiệm đảm bảo kì thi diễn ra an toàn nghiêm túc. Thí sinh vào phòng thi có trách nhiệm để làm bài chứ không thể có chuyện quay ngang, quay dọc để ghi âm, quay hình làm ảnh hưởng đến các em khác” - đại diện của một trường ĐH đến từ đầu cầu Hà Nội phản biện chủ trương của Bộ GD-ĐT.

Không chỉ bất đồng tình với quy định cho HS mang thiết bị máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi, đại diện cho các Sở GD-ĐT cũng cho rằng, đối với kì thi tốt nghiệp THPT nếu thành lập Hội đồng chấm thẩm định một cách độc lập thì vừa gây tốn kém và gặp nhiều khó khăn.

“Thời gian công bố điểm thi tốt nghiệp cho đến lúc thi ĐH, CĐ là rất ngắn. Nếu kết quả Hội đồng chấm thẩm định đưa ra chỉ có mục đích cảnh báo địa phương hoặc yêu cầu rút kinh nghiệm thì sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên nếu công nhận kết quả chấm thẩm định là kết của cuối cùng của bài thi thí sinh sẽ khó mà đảm bảo về mặt thời gian kịp cấp giấy chứng nhận cho thí sinh nếu phát sinh ra sự chênh lệch giữa hai kết quả” - đại diện đến từ Phòng khảo thí và Kiểm định Sở GD-ĐT Thái Bình phân tích.

Với tư cách là ý kiến phát biểu cá nhân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận “mổ xẻ” việc cho phép mang ghi âm, máy quay vào phòng thi: Chúng ta cứ nói là làm tốt khâu coi thi, chấm thi nhưng thực tế thì không như vậy. Kết quả chấm thẩm định vừa qua có thể khẳng định, trong khi có nhiều đơn vị tổ chức thi nghiêm túc và công bằng thì vẫn tồn tại một số cán bộ thoái hóa, biến chất chưa làm tròn nhiệm vụ nên dẫn đến kết quả thi có vấn đề. Chúng ta cách lý khu vực thi với bên ngoài là nhằm đảm bảo tính an toàn và nghiêm túc, nhưng nếu các cán bộ làm nhiệm vụ trong khu vực thi có hiểu hiện thoái hóa, biến chất thì sẽ phát sinh tiêu cực.

“Hiện tượng Đồi Ngô nếu không phải là HS phát hiện thì ai sẽ phát hiện được? Một đội ngũ không nhỏ cán bộ, giáo viên thoái hóa biến chất thì ai sẽ đấu tranh để vạch ra sai phạm? Nghị quyết của Đảng đã nói rõ là phải dựa vào dân để đấu tranh đối với một lượng không nhỏ thoái hóa biến chất này” - người đứng đầu ngành giáo dục nói.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho rằng, với việc phải bỏ chi phí để mua thiết bị thì đa phần các HS sẽ không mang vào. Tuy nhiên, nếu HS nào đó không bằng lòng với sự không trung thực, tiêu cực của ngành giáo dục, góp phần chung tay với ngành thì chúng ta phải đón nhận. Điều quan trọng là giam lên tất cả đầu chúng ta có một sự kiểm soát vô hình buộc tất cả các lực lượng tham gia kì thi phải thực hiện nghiêm túc.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Việc quy định này nhằm có tác động tâm lý đối với những tham gia giám sát kì thi, đòi hỏi phải thực nghiêm túc hơn. Còn việc khó khăn trong việc nhận diện các thiết bị này thì không nên đưa lên mức độ nghiêm trọng hóa quá”.

Liên quan đến vấn đề thành lập Hội đồng chấm thẩm định ở kì thi tốt nghiệp THPT thì tại hội nghị này, Bộ GD-ĐT chưa đưa ra ý kiến cụ thể. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, tất cả những ý kiến thảo luận tại các đầu cầu sẽ được tổng hợp và thông qua đó Bộ sẽ họp bàn trong Ban cán sự Đảng, Cục khảo thí và Kiêm định chất lượng để sau đó đưa ra quyết định cuối cùng.

Theo lịch của Bộ GD-ĐT thì kì thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra từ ngày 2 - 4/6/2013. Tổ chức chấm thi tốt nghiệp THPT từ ngày 6 -18/6/2013. Việc chấm thẩm định bài thi tự luận, kì thi tốt nghiệp THPT năm 2013 được thực hiện trong tháng 6/2013.

Về trách nhiệm triển khai kì thi phổ thông năm 2013, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ươngchỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo triển khai công tác tổ chức các kỳ thi phổ thông năm 2013 theo kế hoạch và thời gian đã quy định; Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác phối hợp với ngành Giáo dục trong công tác tổ chức thi; Chỉ đạo việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát trong tất cả các khâu của kỳ thi ở địa phương. Kịp thời phát hiện và xử lí nghiêm túc, dứt điểm các hành vi vi phạm quy chế.

Đối với các sở giáo dục và đào tạo thì thực hiện tổng kết, đánh giá và tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc đối với những hạn chế, yếu kém của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012; đề xuất các biện pháp, để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tiêu cực trong các khâu tổ chức thi, đặc biệt là công tác coi thi.

Tăng cường quán triệt quy chế, tập huấn kỹ nghiệp vụ thi để cán bộ, giáo viên tham gia các khâu tổ chức thi nắm vững và thực hiện đúng quy chế, nhất là trong công tác coi thi. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để đảm bảo kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, tổ chức thi từ địa phương đến Trung ương.

Tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của phụ huynh và các lực lượng xã hội đối với công tác tổ chức thi. Chỉ đạo các trường THPT hoàn thành Kế hoạch thời gian năm học, tổ chức tốt việc ôn tập để học sinh nắm vững kiến thức, rèn luyện kỹ năng và có tâm thế tốt trước khi bước vào các kỳ thi.

S.H
Array
(
    [type] => 8192
    [message] => preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead
    [file] => /home/pwhqfmvb/GiangVien/includes/countries.php
    [line] => 435
)