Ngôi sao Việt trên bầu trời khoa học thế giới

 Ngôi sao Việt trên bầu trời khoa học thế giới
Họ là những nhà khoa học được cả thế giới vinh danh trong năm 2012. Bằng trí tuệ và tình yêu quê hương, họ đã thắp sáng những ngôi sao Việt trong bầu trời khoa học thế giới đồng thời đóng góp vào sự phát triển của nghiên cứu khoa học trong nước.
GS Trịnh Xuân Thuận: Kể khoa học bằng văn chương

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận (SN 1948, tại Hà Nội) là một chuyên gia nổi tiếng thế giới về ngành thiên văn học ngoài dải ngân hà. Ông đã phát hiện ra I Zwicky 18 - thiên hà trẻ nhất được biết đến trong vũ trụ hiện nay.
Trong năm 2012, ông gặt hái thêm thành công khi được giải thưởng Louis Pauwels cho tác phẩm Le Cosmos et Le Lotus (Lượng tử và Hoa sen theo bản tiếng Anh The Quantum and The Lotus).
GS Trịnh Xuân Thuận trong một buổi giao lưu với sinh viên Trường ĐH FPT. (Ảnh tư liệu NLĐO)
GS Trịnh Xuân Thuận trong một buổi giao lưu với sinh viên Trường ĐH FPT. (Ảnh tư liệu NLĐO)
Tháng 6/2012, ông trở thành người Việt đầu tiên nhận giải thưởng văn học Cino del Duca của Viện Pháp quốc vì những tác phẩm thể hiện cái nhìn phức hợp và tinh tế của một nhà khoa học và một người có đức tin về vũ trụ và vị trí của con người trong vũ trụ.
TS Tara Van Toai: Đưa đậu nành Việt Nam sang Mỹ

Trang thông tin của Bộ Nông Nghiệp Mỹ có đăng bài của tác giả Don Comis về những thành công của nhà khoa học gốc Việt Tara Van Toai trong nghiên cứu tìm được nguồn gien đậu nành chịu ngập và kháng bệnh cho nước Mỹ vào tháng 8/2012.
TS Tara Van Toai đang hướng dẫn một sinh viên thực tập. (Ảnh: Bộ Nông nghiệp Mỹ)
TS Tara Van Toai đang hướng dẫn một sinh viên thực tập. (Ảnh: Bộ Nông nghiệp Mỹ)

Những giống đậu nành được trồng xen canh tại đồng lúa ở Đông Nam Á có thể cung cấp cho thế giới nguồn gen đậu nành chịu được ngập lụt, bệnh thối gốc và các bệnh thực vật khác trong đất ngập nước.
Theo TS Tara Van Toai, những giống đậu nành ở Mỹ không thể sống được trên đất bị ngập nước. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm trên 21 giống đậu nành trồng ở Cần Thơ cho thấy 3 giống là VND3, Nam Vang và ATF15-1 có khả năng chịu ngập nước và kháng bệnh trong môi trường ngập nước. Trong nghiên cứu này, bà Van Toai đã cộng tác với các nhà khoa học Trung Quốc, Brazil, Hungary. Tại Việt Nam, bà cùng làm việc với nhà khoa học Trần Thị Cúc Hoa cùng cộng sự là Nguyễn Thị Ngọc Huệ thuộc Viện Nghiên cứu Lúa Gạo ĐBSCL.

Bà tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng châu thổ sông Cửu Long, quanh tôi là đồng lúa, bà con chú bác đều là nông dân. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã thích học về canh nông. Tôi biết và nghe nói nhiều nơi trên thế giới, ngay cả ở Việt Nam, còn rất nhiều người không đủ ăn. Tôi nghĩ trong tương lai, ngành nghiên cứu về nông nghiệp có thể giúp con người mà trước nhất là nông dân, thu hoạch từ đồng ruộng nhiều hơn nữa, tạo thêm nhiều thực phẩm để nuôi sống dân số thế giới đang ngày càng tăng cao”.

GS Nguyễn Văn Tuấn: Đưa khoa học Việt Nam gần với thế giới
GS Nguyễn Văn Tuấn hiện là trưởng nhóm nghiên cứu về loãng xương và di truyền học của Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, giáo sư cao cấp tại Đại học New South Wales (Úc). Ngoài ra, ông còn là chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Ủy hội Nghiên cứu Y khoa và Y tế Quốc gia Úc (NHMRC Senior Reseach Fellow - một chức danh được Chính phủ Úc bổ nhiệm cho những nhà khoa học ưu tú nhất trong ngành y của nước này.

Là một nhà khoa học giàu kinh nghiệm, GS Nguyễn Văn Tuấn đã có hơn 200 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí y học thế giới. Ông cũng là người có chân trong nhiều ban biên tập, chuyên gia bình duyệt cho hơn 20 tập san nghiên cứu y khoa trên thế giới.
GS Nguyễn Văn Tuấn.
GS Nguyễn Văn Tuấn.

GS Nguyễn Văn Tuấn đã đóng góp nhiều công sức cho sự phát triển nghiên cứu khoa học trong nước. Trong chuyến về nước gần đây nhất, GS Nguyễn Văn Tuấn đã trình bày những ghi nhận của ông về quá trình công bố bản thảo khoa học, giải thích lý do một số bản thảo bị từ chối tại Đại học Y tế Cộng đồng (Hà Nội) hôm 10/1. GS Tuấn cũng đã tham gia giảng dạy trong lớp tập huấn về cách viết đề cương nghiên cứu khoa học trong khóa học 3 ngày (từ ngày 7 đến 9/1) tại Viện Nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Trước đó, tại Khu Công nghệ cao TPHCM hôm 27/12/2012, ông cũng đã thuyết trình về cách viết một bài báo khoa học...

Trong những năm qua, mỗi năm GS Nguyễn Văn Tuấn thường dành thời gian về nước giảng dạy tại các trường ĐH như ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Bách khoa TPHCM, tại các bệnh viện… Trả lời giới báo chí gần đây, ông cho rằng trình trạng thiếu định hướng, xoay quanh đề tài cũ, thiếu người hướng dẫn có kinh nghiệm cao và không sử dụng thành thạo tiếng Anh là những rào cản chính cho các nhà nghiên cứu trẻ ở Việt Nam.

GS Nguyễn Văn Tuấn cũng là một cộng tác viên thân hữu của Báo Người Lao Động. Một số tác phẩm nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Tuấn cũng đã xuất bản ở Việt Nam về lĩnh vực y học thực chứng, loãng xương, giáo dục…Hai công trình xuất bản ở Việt Nam gần đây là “Chất lượng giáo dục đại học: nhìn từ góc độ hội nhập” và “Đi vào nghiên cứu khoa học” (NXB Tổng Hợp TPHCM - 2011)
GS-TS Lưu Lệ Hằng: Hành tinh mang tên phụ nữ Việt

Tháng 9/2012, tại Oslo, Quốc vương Na Uy Harald đã trao giải thưởng vật lý thiên văn Kavli cho hai nhà khoa học David C. Jewitt và Lưu Lệ Hằng (tên tiếng Anh Jane X. Luu) về phát hiện các thiên thể thuộc Vành đai Kuiper (còn được gọi là các thiên thể ngoài Hải vương tinh). Giải thưởng này được xem như Nobel thiên văn học với tiền thưởng 1 triệu USD.

Sau nhiều năm quan sát bằng viễn vọng kính của Đại học Havard đặt tại Mauna Kea (Hawaii), GS Lưu và người thầy của mình là GS Jewitt đã tìm thấy những thiên thể đầu tiên trong Vành đai Kuiper và phát hiện ra thêm nhiều thiên thể khác thuộc vành đai này. GS Lưu cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện có hàng triệu thiên thạch ngoài đó, bên mép rìa Thái Dương hệ trong Vành đai Luiper giống như Diêm vương tinh vậy... Khám phá này làm hoàn toàn thay đổi quan niệm của chúng ta về định nghĩa hành tinh là gì”.
GS Lưu Lệ Hằng.
GS Lưu Lệ Hằng.

Công trình định danh các vật thể ngoài Hải vương tinh của hai nhà khoa học này cũng được nhận giải thưởng Shaw Thiên văn học tại Hồng Kông. Hội Thiên văn học Mỹ đã lấy tên bà để gọi một tiểu hành tinh 5430 Luu.
GS Lưu (SN 1963) hiện làm việc tại phòng thí nghiệm Lincohn thuộc Viện Công nghệ Massachusetts. Chồng bà là nhà thiên văn học Ronnie Hoogerverf. Hai người có một con gái nuôi 6 tuổi người Việt.

GS Nguyễn Hùng: Ứng viên “Người Úc của năm 2012”

Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật và Công nghệ thông tin Đại học Công nghệ Sydney, nhà phát minh Nguyễn Hùng đã được bang New South Wales đề cử là ứng viên của bang này tranh giải Người Úc của năm 2012 (Australian of the Year 2012) .
GS Nguyễn Hùng. (Ảnh: ust.educ.au)
GS Nguyễn Hùng. (Ảnh: ust.educ.au)
Trước đó, theo trang tin Australian Anthill, phát minh xe lăn thông minh Aviator được thử nghiệm điều khiển bằng ý nghĩ của ông đã được chọn đứng thứ 3 trong danh sách 100 sản phẩm thông minh. Chiếc xe lăn này có thể tự vận hành bằng chính bộ não robot để vượt qua chỗ đông người hoặc những vật thể do camera trên xe nhìn thấy được. Ông đã dành gần 20 năm nghiên cứu về chiếc xe này để giúp người con bị liệt do tai nạn.
Con trai GS Nguyễn Hùng bên chiếc xe lăn do cha mình chế tạo.
Con trai GS Nguyễn Hùng bên chiếc xe lăn do cha mình chế tạo.

Ngoài chiếc xe này, GS Nguyễn Hùng và cộng sự còn nghiên cứu chế tạo một số thiết bị y tế khác như máy phát hiện sớm ung thư vú, máy báo hạ đường huyết, thiết bị kiểm tra sức khỏe tài xế… Ông tâm sự: “Những gì tôi đang cố gắng làm là giúp đỡ người khác. Được đề cử tranh giải người Úc của năm khiến tôi bất ngờ và hạnh phúc”.
Theo Trúc Lâm
Người Lao Động

Nguồn tin: Dantri.com.vn

Array
(
    [type] => 8192
    [message] => preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead
    [file] => /home/pwhqfmvb/GiangVien/includes/countries.php
    [line] => 435
)