GS-TS toán học Vũ Hà Văn: Hãy hỏi “Tại sao”, đừng hỏi “Thế nào”

 GS-TS toán học Vũ Hà Văn: Hãy hỏi “Tại sao”, đừng hỏi “Thế nào”
“Khi lên lớp, tôi thường nói với sinh viên rằng, khi đứng trước một bài toán, câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là “Tại sao?” (Tại sao ta lại cần quan tâm, hay cần giải bài toán này?), chứ không phải là “Thế nào?” (Giải bài toán này thế nào?)”.
Ảnh do GS-TS Vũ Hà Văn cung cấp.
Ảnh do GS-TS Vũ Hà Văn cung cấp.
Người cha

Người thầy đầu tiên của ông là cha hay mẹ?

- Tôi nghĩ là mẹ. Trẻ nhỏ tập đọc, tập viết, tập đếm phần lớn là do mẹ dạy. Trẻ con nhà tôi cũng vậy. Thường bố không đủ kiên nhẫn làm những việc ấy.

Báo chí thường viết, GS-TS Vũ Hà Văn - con trai cả nhà thơ Vũ Quần Phương. Ông có cảm thấy sức nặng của dòng họ, của lý lịch không? Trong phần "tài” của một con người, theo ông, những tố chất ảnh hưởng từ dòng họ, gia đình là bao nhiêu?


- Tôi không thấy có gì là “sức nặng” cả, báo chí thì thường viết sao cho có nhiều người đọc thôi. Quá trình phát triển của em bé nào cũng phụ thuộc nhiều vào tố chất và sự quan tâm của cha mẹ. Nhưng nhiều đến đâu thì còn tùy từng gia đình và từng đứa trẻ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ngợi ca tính chính xác trong thơ Vũ Quần Phương. Trong cuộc sống, cha ông là một người có tính chính xác cao? Điều này ảnh hưởng ra sao tới việc dạy dỗ con mình thành người. Ở đây, tôi dùng chữ "thành người”, không dùng chữ "thành đạt”.

- Bố tôi trước là bác sĩ, chính xác là tác phong nghề nghiệp. Nên cụ hướng cho anh em tôi theo học các ngành về khoa học tự nhiên. Tôi nghĩ đó là quyết định cơ bản rất đúng đắn.

Theo ông, một đất nước, để phát triển cân bằng, cần bao nhiêu nhà thơ, bao nhiêu nhà khoa học?

- Số nhà thơ thì tôi không dám nói, cái này chắc bạn phải phỏng vấn Hội Nhà văn Việt Nam. Số lượng nhà khoa học thì phải cân bằng với dân số. Một đất nước, muốn phát triển, cần một tỷ lệ nhất định dân số có kiến thức đại học. Kiến thức thực thụ chứ không phải bằng cấp. Muốn sinh viên đại học có được kiến thức, thì người thầy phải giỏi, phải là nhà nghiên cứu theo được các bước tiến cơ bản trên thế giới trong ngành của mình, đồng thời tỷ lệ học sinh/giáo sư không quá cao thì việc giảng dạy mới có hiệu quả. Đấy còn chưa kể tới rất nhiều nhà khoa học ở các viện nghiên cứu hay trong công nghiệp nữa. Đáng tiếc, thực tế ở Việt Nam còn cách ước mơ này rất xa.

Ông có thể ghi ra những câu thơ của cha mà ông thuộc nhất - những câu thơ này ám ảnh, ảnh hưởng nhiều tới ông, tới tư duy toán học "logique một cách tuyệt đối” của ông ?

- Thơ của cha tôi ảnh hưởng đến cách nghĩ của tôi về xã hội và về số phận con người, và khơi dậy tình cảm gia đình. Tôi không bị ám ảnh vài câu cụ thể nào. Theo tôi, thơ phải đọc cả bài. Có những bài tôi đọc lâu rồi bây giờ vẫn thích như "Đá và những người thợ đá”, "Tiếng nói câm”, "Trước biển”. Những bài ông viết về gia đình, mẹ tôi, hay các cháu, cũng rất cảm động.

Cha mẹ ông để ông tự giải quyết các vấn đề của mình từ năm ông bao nhiêu tuổi? Họ có hay nói, theo bố mẹ con phải làm thế này, thế kia. Việc hình thành tư duy độc lập của một con người, một nhà khoa học, chịu ảnh hưởng ra sao từ những quyết định của cha mẹ, từ việc được giáo dục, dạy dỗ ở trường lớp? Bây giờ, ông và vợ cư xử thế nào với hai con trai?

- Tôi bắt đầu đi học xa nhà năm 17 tuổi, từ lúc đó mọi việc đều phải tự quyết định.Thật ra trước đó, những năm cấp ba, thì việc học hành tôi cũng tự lo, chứ bố mẹ cũng không kiểm tra nữa. Tính cách một em bé hiển nhiên sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ lối sống gia đình và trường lớp. Nhưng một phần rất lớn là nó tự hình thành mà ta không giải thích được. Như các cụ vẫn hay nói “Bố mẹ sinh con, trời sinh tính”. Tôi không biết tại sao tôi thích học toán, vì trước đó trong gia đình chẳng ai làm khoa học cả. Khi thi đại học tôi cũng thi Bách khoa vì gia đình hướng nghiệp cho tôi học điện tử. Khi đó tôi chẳng có khái niệm “phó tiến sĩ” hay “tiến sĩ” là gì, chỉ tưởng tượng đơn giản đấy là một bạn học nhiều, đeo kính trắng, hơi béo và ngơ ngẩn vì vừa ở Tây về.

Môi trường giáo dục bên Mỹ khác, trẻ con phải lựa theo chúng nó, chứ không ép như ở Việt Nam được. Hai vợ chồng tôi cũng phải vừa làm vừa học thôi, nhiều lúc cũng không biết làm như thế có đúng không, vì hai nền văn hóa khác nhau khá xa.

Người thầy

Nói đến thầy Tôn Thân, điều gì khiến ông nhớ nhất về thầy?


- Tôi nhớ nhất cách giảng bài của thầy. Dễ hiểu, khúc chiết mà lại rất có duyên. Thầy lúc nào cũng đĩnh đạc, đường hoàng. Cách đây mấy tháng tôi đến thăm thầy. Rất vui vì thấy giọng thầy vẫn sang sảng và phong độ vẫn như xưa.

Tôi được biết, quan điểm giáo dục của thầy Tôn Thân là “Đừng bắt người ta uống, hãy bắt người ta khát”. Cá nhân ông, cậu học trò Vũ Hà Văn, thầy đã bắt khát kiến thức thế nào?

- Tôi nghĩ đó là một quan điểm hay. Nhà sư phạm giỏi là người áp dụng được phương pháp đó trong thực tế. Chúng tôi mới cấp hai, thầy đã phát động phong trào làm báo toán. Tức là tự mình đọc những bài báo, chẳng hạn trên những tạp chí cho học sinh như “Toán học tuổi trẻ” hay “Kvant”, rồi viết lại theo cách hiểu của mình, cho các bạn cùng lớp cùng đọc và trao đổi. Lúc đó tôi chỉ thấy vui, cố gắng đi tìm nhiều tạp chí sách vở về nghiền ngẫm. Về sau tôi mới biết đó là cách rèn luyện tác phong nghiên cứu rất hiệu quả mà các nước tiên tiến áp dụng cho sinh viên đại học hoặc bậc cao hơn.

Gần đây, có những trí thức trẻ, được đào tạo toán học ở những trường đại học danh tiếng nước ngoài, trở về, tự nguyện làm giáo viên ở trường phổ thông. Suy nghĩ của ông về việc này?

- Nếu đó là sở nguyện của các bạn ấy, thì đó là một góp ích rất có ý nghĩa cho nền giáo dục. Một thầy giáo giỏi, có kiến thức cao cấp ở bậc phổ thông có thể giúp phần đào tạo nên rất nhiều nhân tài. Đây là việc tôi đã thấy tận mắt ở Hungary trong nhiều thế hệ khoa học.

Tiếp xúc với các nhà làm toán trẻ Việt hiện học, làm việc ở nước ngoài, các em sinh viên ngành toán, các em học sinh yêu toán, ông có nghĩ tới vấn đề làm thế nào để “nguyên khí” toán học tụ lại thành “cơn lốc”, giúp ích thiết thực cho nước nhà, làm vẻ vang, rạng danh nền toán học Việt Nam trên thế giới?

- Tôi thấy Việt Nam vẫn còn rất nhiều học sinh yêu toán. Các bạn trẻ hiện nay có điều kiện thuận lợi hơn, nên tôi chắc sẽ có nhiều thành công trên phương diện cá nhân. Hiện ở Mỹ, số nhà toán học gốc Việt tại các trường lớn vẫn còn lác đác nhưng 20-30 năm nữa bức tranh sẽ thay đổi. Việc làm gì để quy tụ được trí thức Việt Nam (chẳng riêng trong toán học hay khoa học tự nhiên) đang sống ở nước ngoài về giúp ích cho Tổ quốc thì báo chí nhắc đến rất nhiều rồi, chắc tôi cũng không có thêm ý gì mới. Quan trọng là hành động cụ thể. Làm sao cho nhà khoa học phát triển được khả năng của họ và ý kiến của họ được lắng nghe.

Nước mình hay có những lễ tuyên dương, trao giải trong nhiều lĩnh vực, trong đó có một số ngành khoa học, sáng tạo. Tại sao có nhiều cá nhân được giải thưởng khoa học, nhưng nhìn về chung cuộc, khoa học ở nước ta vẫn cứ yếu kém. Tôi liên tưởng tương đương với bên toán học là như thế này: Từng con số thì chính xác, nhưng cộng tổng chung lại sai bét. Tại sao, theo giáo sư?

- Tôi thì lại liên tưởng đến bóng đá (sau giải AFF không mấy thành công của đội tuyển ta). Năm nào ta cũng có giải quả bóng vàng, bóng bạc, bóng đồng, giải huấn luyện viên xuất sắc, v.v... Ấy thế mà đội tuyển cứ lang thang mãi ở vùng trũng của châu Á, và hiện giờ còn là nửa dưới của vùng trũng nữa. Bao giờ sẽ đá như Tây Ban Nha? Bạn sẽ tự tìm ra câu trả lời ngay thôi.

Người “mình”

Bằng cách ngắn gọn, giản dị dễ hiểu nhất có thể, ông tóm lược công trình của mình, có giá trị thực tiễn ra sao cho một người bình thường có thể hiểu được?

- Một số công trình của tôi liên quan đến tính xác suất của những biến cố có nhiều tương tác. Nó có thể dùng để nghiên cứu một số mô hình vật lý (chẳng hạn vị trí một phân tử phụ thuộc vào vị trí các phân tử khác bởi lực tương tác), hoặc nghiên cứu một số mạng rất lớn (như Facebook hay WWW), hoặc dùng trong ứng dụng máy tính (như kỹ thuật xử lý ảnh với độ nhiễu nhất định).

Toán học không giúp ông được trong việc gì? Các giải thưởng toán học quốc tế với cá nhân ông có ý nghĩa thế nào?

- Chắc chắn là nó không giúp gì cho việc tìm người yêu hay lấy vợ.

Ý nghĩa quan trọng nhất của giải thưởng đối với tôi là nó cho thấy mình đã đi đúng hướng, và tạo ra niềm tin trong công việc trong tương lai. Một phần các công trình của tôi là tự mình phát triển ra, chứ không phải giải quyết một vấn đề đã có từ trước. Khi làm việc đó tôi hoang mang là không biết công trình có thật sự có giá trị lâu dài gì không. Rất có thể mình đã tiêu phí nhiều năm vào một việc vô bổ. Hiện giờ khi lên lớp, tôi thường nói với sinh viên rằng, khi đứng trước một bài toán, câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là “Tại sao?” (Tại sao ta lại cần quan tâm, hay cần giải bài toán này?), chứ không phải là “Thế nào?” (Giải bài toán này thế nào?).

Ngoài ra, được giải thưởng thì hay được lên lương, cái này cũng rất có ý nghĩa.

Công việc của ông mỗi ngày ra sao? Năm mới, ông có kế hoạch gì mới?

- Tôi thường nói đùa ở nhà là hiện nay hằng ngày phải dạy bốn cấp. Cấp cao nhất là Postdoc, những người đang làm sau tiến sĩ với tôi ở Đại học Yale - Hoa Kỳ. Cấp hai là sinh viên đang làm luận án tiến sĩ. Cấp ba là sinh viên đại học của trường. Còn cấp bốn là hai ông nhóc ở nhà (lớp 4 và lớp 8). Cấp này là phức tạp nhất, vì hay khóc nhè, lại có nhiều ô dù.

Hè năm tới tôi sẽ tổ chức hai khóa học ở Viện Toán Cao cấp ở Hà Nội, về Hàm ngẫu nhiên và thuật toán ngẫu nhiên, cùng một số giáo sư trong nước và quốc tế.

Con rắn là biểu tượng của y học. Trong tư duy của nhà toán học Vũ Hà Văn, con rắn tồn tại ra sao, ông có thể họa hình tặng bạn đọc Báo Lao Động được không?

- Sắp Tết rồi, trời lạnh, tôi nghĩ rắn sả ớt rất tốt cho sức khỏe. Còn vẽ thì chịu.

Xin cảm ơn giáo sư.

GS-TS Vũ Hà Văn sinh năm 1970 tại Hà Nội. 1987-1990: Sinh viên khoa Điện - Đại học Bách khoa Budapest (Hungaria). 1990-1994: Sinh viên khoa Toán-Đại học Tổng hợp Eotvos Lorand (Budapest) 1994-1998: Nghiên cứu sinh khoa toán ĐH Yale,; 1998-2001: Postdoc tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton và Microsoft Research. 2001-2005: Giảng dạy tại ĐH California, Sandiego (UCSD). 2005-2011: Giảng dạy tại ĐH Rutgers;

2011-nay: Giảng dạy tại ĐH Yale. Từ tháng 10/2012 là Percey F. Smith Chair Professor của ĐH Yale.

GS-TS Văn được trao tặng Sloan Fellowship năm 2002, NSF Career Award năm 2003, Giải thưởng Polya của Hội toán ứng dụng Mỹ năm 2008, Giải thưởng Fulkerson của Hội Toán học Mỹ năm 2012. Ông đã có hơn 100 công trình trên các tạp chí quốc tế.

Theo Lâm Tuyền
Báo Lao Động

Nguồn tin: Dantri.com.vn

Array
(
    [type] => 8192
    [message] => preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead
    [file] => /home/pwhqfmvb/GiangVien/includes/countries.php
    [line] => 435
)