Dạy tiếng Anh lớp 1: Khó trăm bề

 Dạy tiếng Anh lớp 1: Khó trăm bề
Năm học 2012-2013, TPHCM mới chỉ có 20% học sinh lớp 1 được học tiếng Anh theo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Vẫn còn 3 quận: 6, Bình Tân và Phú Nhuận chưa thể thực hiện.

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), cho hay năm học 2013-2014 sẽ phấn đấu đạt 50% học sinh (HS) lớp 1 được học tiếng Anh theo đề án nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu là thiếu giáo viên (GV). Nếu không khắc phục, rất có thể đến năm 2016, vẫn không đạt được chỉ tiêu 100% HS tiểu học được học 2 chương trình là tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh theo đề án.

Thiếu kinh phí, thiếu giáo viên

Theo lãnh đạo các phòng giáo dục, các trường dù đã triển khai hay chưa triển khai giảng dạy tiếng Anh theo đề án vẫn lo sẽ thiếu GV, bởi chỉ riêng đội ngũ GV dạy tiếng Anh tăng cường hoặc tự chọn thì đến thời điểm này vẫn không đủ. Để dạy tiếng Anh theo đề án, nhiều trường đã chuyển số GV đang dạy tiếng Anh tự chọn sang đảm nhiệm như cách quận 5 đang làm. Tuy nhiên, theo bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, nếu tính số GV dạy tiếng Anh tự chọn theo biên chế thì vẫn còn thiếu. “Năm học 2012-2013, quận 5 có 12/16 trường tiểu học đã thực hiện giảng dạy tiếng Anh theo đề án của bộ.

Trong giờ học tiếng Anh của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TPHCM. (Ảnh: Tấn Thạnh)
Trong giờ học tiếng Anh của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TPHCM. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Năm nay, các trường sẽ tiếp tục thỏa thuận với phụ huynh để xin tăng cường thêm GV người Philippines dạy tiếng Anh”- bà Thu cho biết. Còn hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Phú Nhuận lý giải đặc thù của giảng dạy tiếng Anh theo đề án là không thu phí nên cách các trường triển khai là lấy kinh phí từ tiếng Anh tăng cường và một số nguồn thu khác để đắp đổi. Chính vì vậy, nếu trường nào có kinh phí và hiệu trưởng linh động, biết tính toán mới có thể triển khai.

Tại quận Bình Tân, 1 trong 3 quận chưa thể thực hiện dạy tiếng Anh theo đề án, ông Trần Hữu Vĩnh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận, cho hay nguyên nhân chính vẫn là do quận gặp quá nhiều áp lực về dân nhập cư. Chỉ tính riêng số trẻ vào lớp 1, năm trước là hơn 7.000 trẻ thì năm nay tăng lên 10.000, trong khi số trường lớp không đáp ứng nổi. Để bảo đảm nhu cầu đi học cho tất cả trẻ nhập cư, tạm trú, quận buộc phải giảm số trẻ học 2 buổi/ngày và số trẻ bán trú, dẫn đến tình trạng sĩ số quá đông, vượt quá 35HS/lớp nên không những giảng dạy tiếng Anh theo đề án nói riêng mà cả việc dạy tiếng Anh bậc tiểu học đều gặp khó khăn đủ đường. Dự kiến năm nay phòng sẽ triển khai chương trình nhưng cho đến thời điểm này vẫn còn thiếu 10 GV tiếng Anh tiểu học.

Không có mã ngành, thù lao thấp

Ông Lê Ngọc Điệp cho biết theo kế hoạch năm học 2012-2013 sẽ có 25% HS lớp 1 được học tiếng Anh theo đề án nhưng chỉ đạt được 20%, tương đương 19.000 HS. Trong kế hoạch tuyển sinh vào lớp 1 được các quận gửi về, chỉ quận 12 có kế hoạch giảng dạy cụ thể. Theo ông Điệp, muốn học tiếng Anh tốt thì yếu tố người thầy là quan trọng nhưng hiện nay mức thù lao cho GV tiếng Anh rất thấp nên các trường khó tuyển và giữ chân GV.

“Mức học phí tiếng Anh tăng cường hiện nay là 50.000 đồng/HS/tháng đã có từ 14 năm qua, đã trở nên lạc hậu, trong khi đó ở nhiều trường hiệu trưởng chỉ trích lại cho GV 50% mức thu này khiến nhiều GV không gắn bó với nghề. Sở cũng đã nhiều lần đề xuất xin tăng học phí nhưng vẫn chưa được phép vì tăng học phí thì phải tăng đồng bộ chứ không thể tăng riêng học phí tiếng Anh” - ông Điệp cho biết.

Mặt khác, theo hiệu trưởng nhiều trường tiểu học, cái khó khi giảng dạy tiếng Anh theo đề án xuất phát từ gốc, đó là các trường sư phạm hiện vẫn chưa có mã ngành đào tạo GV tiếng Anh tiểu học.

Ngay từ khi triển khai đề án án ngoại ngữ quốc gia, nhiều chuyên gia giáo dục đã tính toán đến việc sẽ thiếu GV nghiêm trọng, ngay cả tại các TP lớn như TPHCM. Theo tính toán của PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nếu mỗi GV tiếng Anh dạy 4 lớp (16 tiết/tuần) thì cả nước cần 39.759 GV, các tỉnh Đông Nam Bộ cần 4.582 GV. Như vậy, từ nay đến năm 2020, mỗi năm cả nước sẽ cần 6.626 GV, riêng Đông Nam Bộ cần 764 GV và TPHCM cần 294 GV. Trong khi đó, Khoa Tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TPHCM mỗi năm chỉ tuyển sinh khoảng 150 chỉ tiêu để đào tạo GV tiếng Anh THPT, đó là chưa kể còn phải đào tạo để cung ứng cho các địa phương khác.

Trong một điều tra bỏ túi của PGS-TS Nguyễn Thị Ly Kha, Trưởng Khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm TPHCM), cho thấy với hơn 50 sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh, không có sinh viên nào chọn giảng dạy tiếng Anh bậc tiểu học vì ngại vất vả, thu nhập thấp, cơ hội thăng tiến lại không cao.

Theo Đặng Trinh

Người Lao Động

Nguồn tin: Dantri.com.vn

Array
(
    [type] => 8192
    [message] => preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead
    [file] => /home/pwhqfmvb/GiangVien/includes/countries.php
    [line] => 435
)