Nguồn gốc và lịch sử hình thành Phật giáo

Thứ tư - 07/08/2024 02:59
Phật giáo là một tôn giáo ra đời ở Ấn Độ thế kỷ thứ VI (TCN), người sáng lập là Tất Đạt Đa (Siddhartha), họ Gautama (Cồ Đàm) vốn là thái tử con vua Tịnh Phạn. Thái tử Tất Đạt Đa (563-643) được sinh ra ở thành Ca Tỳ La Vệ (nay thuộc Nepal). Sau khi giác ngộ thành Phật, Tất Đạt Đa được các học trò tôn xưng là Thích Ca Mâu Ni (Sàkyamuni), có nghĩa là đấng giác ngộ.
Từ nhỏ, Tất Đạt Đa đã được nhà vua hết sức yêu quý và kỳ vọng sau này sẽ trở thành người kế tục vua cha trị vì đất nước. Thái tử được giáo dục đầy đủ, được sống trong sung sướng. Tuy vậy, ngay từ nhỏ, Thái tử đã luôn trầm tư mặc tưởng, luôn suy nghĩ về cuộc đời, về ý nghĩa cuộc sống con người mà không có ham muốn hưởng thụ cuộc sống giàu sang phú quý. Trong lần ra khỏi hoàng cung, thái tử Tất Đạt Đa chứng kiến cảnh sinh, lão, bệnh, tử điều đó đã khiến cho thái tử càng gợi lên những suy tuy về nỗi khổ đau của cuộc đời. Năm 29 tuổi, Thái tử bỏ trốn khỏi kinh thành, đi tìm con đường cứu khổ. Trải qua nhiều năm tu tập với nhiều phương thức tu tập khác nhau, trong đó có 6 năm tu hành khổ hạnh, ép xác nhưng không đạt được kết quả. Thái tử Tất Đạt Đa thấy rằng lối tu hành khổ hạnh chỉ làm suy giảm tri thức, mệt mỏi tinh thần nên đã quyết tâm từ bỏ lối tu ấy và chuyển sang con đường trung đạo. Cuối cùng thái tử Tất Đạt Đa đã đạt được giác ngộ sau khi ngồi thiền 49 ngày dưới gốc cây Bồ Đề.
Sau khi giác ngộ, Đức Phật dành tất cả thời gian còn lại của cuộc đời để truyền bá đạo của mình. Lúc sinh thời, Đức Phật không viết sách, sau khi Đức Phật nhập niết bàn, các học trò của Đức Phật đã ghi chép lại những lời Phật dạy, tạo thành hệ thống tam tạng kinh điển sau này.
Sau khi Đức Phật nhập niết bàn, Phật giáo được truyền bá ở Ấn Độ và một số nước, khu vực trên thế giới, nhất là vào giai đoạn triều đại vua Asoka (vua A Dục). Dưới triều đại vua A Dục, Phật giáo ở Ấn Độ phát triển rất mạnh mẽ, Phật giáo được tôn sùng, vua A Dục cũng trở thành tín đồ Phật giáo. Theo các tài liệu, vua A Dục đã cử 8 đoàn truyền giáo ra nước ngoài, trong đó có đoàn truyền giáo đến khu vực Đông Nam Á.
Cũng từ khi Đức Phật nhập niết bàn, Phật giáo dần chia thành các hệ phái, bộ phái khác nhau: Thượng toạ bộ, Đại chúng bộ. Thượng toạ bộ chủ trương tuân thủ đúng theo Kinh, Luật, Luận như thời Đức Phật. Đại chúng bộ có chủ trương cải cách, phát triển kinh điển, giáo lý theo tinh thần của Đức Phật. Phái Đại chúng bộ truyền lên phương Bắc (Trung Quốc, Tây Tạng, v.v..) nên cũng gọi là Phật giáo Bắc truyền. Phái Thượng toạ bộ cũng gọi là Phật giáo Nguyên thuỷ, truyền xuống phương Nam nên cũng gọi là Phật giáo Nam truyền.
Sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, đã hình thành nhiều tông phái khác nhau: Thiền tông, Pháp tướng tông, Tam luận tông, Hoa nghiêm tông, Tịnh độ tông, Luật tông, Thiên thai tông, v.v.. Phật giáo truyền lên Tây Tạng, tạo thành Phật giáo Mật tông hay Phật giáo Kim Cương Thừa.

 

Nguồn tin: Trích từ cuốn sách: 16 Tôn Giáo ở Việt Nam Hiện Nay Từ Góc Nhìn Tôn Giáo Học, NXB Khoa học xã hội

 Tags: phật giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc



Danh mục sách
Danh mục tài liệu
Sách mới cập nhập
Thống kê
  • Đang truy cập64
  • Máy chủ tìm kiếm36
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay5,514
  • Tháng hiện tại269,304
  • Tổng lượt truy cập1,192,845
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây