Chuyên cung cấp tài liệu


Từ khóa cần tìm:

Đổi số điện thoại cố định: Làm sao giảm thiểu tác động?

Thứ năm - 25/09/2008 01:17

Từ ngày 5/10/2008, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) sẽ chính thức đổi  số điện thoại cố định cho các thuê bao cố định do tập đoàn này quản lý tại 55 tỉnh thành trên cả nước.

Đây là sự kiện đánh dấu sự phát triển của ngành viễn thông Việt Nam, nhưng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tới những khách hàng.

"Đổi số là cần thiết"

Theo lý giải của VNPT, từ năm 1995, Tổng cục Bưu điện đã quy hoạch đánh số điện thoại cố định đến năm 2012 mới phải tiến hành đổi số. Tuy nhiên, thời điểm đó vẫn chỉ có VNPT là doanh nghiệp duy nhất cung cấp dịch vụ điện thoại cố định trên phạm vi toàn quốc.

Thế nhưng, đến thời điểm này, đã có tới 7 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ điện thoại cố định và đã có 6 doanh nghiệp đã chính thức cung cấp dịch vụ. Ngoài dải số phân bổ cho doanh nghiệp chủ lực là VNPT, dung lượng quỹ số còn lại chỉ còn khoảng 300.000 số, không thể đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao điện thoại cố định của các doanh nghiệp khác.

Ông Trần Vĩnh Phúc, Phó trưởng ban Viễn thông của VNPT cho biết, theo dự báo, với số dân của Hà Nội mở rộng, khu vực này sẽ đạt 10 triệu thuê bao trong vài năm tới. Vì vậy, với tầm nhìn chiến lược phát triển 10 năm, VNPT đồng thời tiến hành nâng độ dài số thuê bao từ 7 số lên 8 số tại Hà Nội và Tp.HCM.

Sau khi đổi số, tổng kho số thuê bao cố định của Tp.HCM, Hà Nội sẽ lên 80 triệu số cho mỗi địa phương và kho số các tỉnh cũng tăng lên tương ứng khoảng 8 triệu số. Việc đổi số này là cần thiết để đảm bảo nhu cầu trước mắt phân bổ kho số cho các nhà khai thác viễn thông mới cũng như để đáp ứng cho việc phát triển các loại hình dịch vụ mới trong tương lai.

Đại diện cho cơ quan quản lý, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, khẳng định: mục đích của đổi số lần này để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ kho số phát triển dịch vụ điện thoại cố định.

Bên cạnh đó, Bộ tạo điều kiện phân bổ kho số hợp lý, công bằng cho các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ này. Hơn nữa, việc đổi số điện thoại cố định đến khoảng thời gian nào đó thì sẽ phải thực hiện, bởi nếu để dãy số quá dài có lợi thế là không phải đổi số nhưng sẽ không tối ưu được việc sử dụng.

Theo kinh nghiệm của các nước, thông thường, chu kỳ 5 năm sẽ đổi số điện thoại cố định một lần để tối ưu hiệu quả sử dụng. Mỗi một lần tiến hành đổi số, kho số của doanh nghiệp sẽ được nâng lên gấp 10 lần.

Nhưng với điều kiện thực tế của Việt Nam, việc đổi số lần này nhiều khả năng sẽ còn rất lâu mới phải thực hiện tiếp bởi mỗi tỉnh đã có 10 triệu số điện thoại cố định và tại Hà Nội và Tp.HCM có tới 100 triệu số cho mỗi nhà khai thác. Trước đây, việc đổi số đơn giản hơn bởi chỉ cần thêm số 3 vào trước số thuê bao hiện hành.

Tuy nhiên, trong lần đổi số này, các thuê bao và các doanh nghiệp sẽ liên tục nâng độ dài quay số với thời gian khác nhau. Cụ thể, VNPT sẽ tiến hành đổi số từ ngày 5/10/2008, còn các doanh nghiệp khác sẽ triển khai từ ngày 26/10/2008 và mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp đấu số riêng chứ không đồng loạt sử dụng đầu số 3 theo quy hoạch.

Tác động tới khách hàng

Theo nhận xét chung, việc đổi số điện thoại cố định chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới khách hàng. Đặc biệt là các khách hàng làm công việc kinh doanh thì mức độ ảnh hưởng còn lớn hơn do số điện thoại gắn liền với mối quan hệ công  việc và giao tiếp của họ.

Để giảm sự thiệt hại và đồng thời tạo điều kiện cho  khách hàng làm quen với việc đổi số, VNPT cho biết sẽ áp dụng song song 2 cách quay số mới và cũ trong thời gian 2 tuần (không kể các thuê bao G-Phone, sẽ áp dụng cách quay số mới ngay từ 5/10).

Cũng nhằm đảm bảo cho việc xử lý cước, tránh trường hợp sai sót về cước của khách hàng và tạo điều kiện thuận lợi  cho các doanh nghiệp viễn thông khác thực hiện việc đổi số thuê bao của mình (bắt đầu từ 26/10/2008), VNPT sẽ áp dụng cách quay số duy nhất (7 chữ số tại 53 tỉnh, thành và 8 chữ số tại Hà Nội và Tp.HCM) từ thời điểm 0h00 ngày 19/10, thay vì thời điểm 5/11 như trước đây.

Sau đó, nếu khách hàng gọi đến số máy cũ, sẽ được tổng đài nhắc bằng lời thoại hoặc bằng tiếng tone (tiếng tút ngắn). Tại một số ít nơi, hệ thống tổng đài của VNPT chỉ thực hiện được quay số mới nên sẽ không áp dụng giữ số song song. Bên cạnh việc thông báo đến từng thuê bao cố định qua hóa đơn cước điện thoại, VNPT cũng triển khai thông báo việc đổi số rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ông Phạm Hồng Hải cũng cho rằng việc đổi số điện thoại cố định lần này ở một chừng mực nào đó có thể gây cảm giác không thuận tiện cho người sử dụng do phải quay số dài hơn, thậm chí sẽ phải thông báo lại về số liên lạc của mình nhưng xét về lợi ích lâu dài cho khách hàng và cho toàn xã hội thì đây là vấn đề cần thiết.

Hiện nay, đa số thị phần dịch vụ điện thoại cố định là của VNPT (khoảng 10 triệu thuê bao). Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị VNPT với tư cách là đơn vị có thị phần lớn nhất triển khai đổi số trước để rút kinh nghiệm.

Còn các doanh nghiệp khác, với số lượng thuê bao ít, sẽ tiến hành đổi số sau khi có kinh nghiệm của VNPT rồi thì sẽ thuận lợi hơn.

Tác giả bài viết: Quang Tùng - GiangVien.Net

Nguồn tin: VnEconomy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
(Chú ý: Website đang trong giai đoạn hoạt động thử nghiệm, đang định xin giấy phép MXH của Bộ TT & TT)
Lên đầu trang
Array
(
    [type] => 8192
    [message] => preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead
    [file] => /home/pwhqfmvb/GiangVien/includes/countries.php
    [line] => 435
)