Chuyên cung cấp tài liệu


Từ khóa cần tìm:

Điện Biên Phủ - những điều kỳ diệu

Thứ tư - 07/05/2008 16:34
Đoàn xe đạp thồ hàng ra mặt trận (chụp lại từ ảnh tư liệu)

Đoàn xe đạp thồ hàng ra mặt trận (chụp lại từ ảnh tư liệu)

Điện Biên Phủ là trận đánh kết tụ những điều kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử chiến tranh nhân loại.
Người dân tham gia đông gấp nhiều lần quân đội
Trong lịch sử chiến tranh của thế giới, chưa có một trận đánh nào mà số lượng người dân ra mặt trận đông đến như thế. Vùng núi rừng vùng Tây Bắc dân cư thưa thớt nhưng đã có hàng vạn dân công phục vụ cho Điện Biên Phủ. Hàng chục vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến được huy động từ hậu phương, tổ chức biên chế như quân đội. Đội quân xe đạp, đội quân sửa đường..., đặc biệt hơn cả là có đội quân đóng cối xay, là một đội quân rất kỳ lạ và hy hữu

Chuyện như thế này: Khi đó, người ta chú trọng tìm cách có được gạo tại chỗ. Tính ra một kg gạo tại chỗ bằng 20 kg gạo chuyển từ hậu phương lên (vì dân công phải ăn vào số gạo trong quá trình 15-20 ngày vận chuyển). Bà con các dân tộc Tây Bắc chấp nhận ăn ngô, ăn sắn để dốc hết thóc lúa cho bộ đội nuôi quân nhưng không thể trông mong vào việc giã gạo bằng tay hoặc bằng cối nước rất chậm, cả ngày mới có được 5-7 kg gạo. Vì vậy phải huy động các thợ đóng cối xay từ các tỉnh ở miền xuôi lên. Chiến sĩ nào biết nghề đóng cối xay cũng tập trung lại, thành lập một đội quân đóng cối xay, giải quyết nhu cầu xay gạo tại chỗ. Đây là đội quân có một không hai và chỉ có trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Số lượng người dân tham gia vào trận đánh Điện Biên Phủ chưa tính được hết và không thể nào tính được hết, chỉ ước tính tỷ lệ so với quân sĩ là 10/1.

Đội quân xe đạp - vua vận tải trên chiến trường

Một sự kỳ diệu chưa từng có ở bất cứ cuộc chiến tranh nào trên thế giới.

Xe đạp thồ là một danh từ ra đời từ Điện Biên Phủ. Thời ấy, những nhà khá giả, trung lưu trở lên mới có được một chiếc xe đạp. Người ta giữ gìn nó hết sức kỹ lưỡng vì đó là tài sản quý nhất của một gia đình, con cái không được sử dụng, bạn bè có việc cần cũng không dám hỏi mượn xe. Thế mà người dân sẵn sàng mang chiếc xe đạp ra trận để làm nhiệm vụ vận tải, biến chiếc xe đạp quý như vậy thành chiếc xe chở hàng. Đội quân xe đạp đã trở thành đội quân cung cấp chủ lực, là vua vận tải của chiến trường, thích hợp với những con đường nhỏ hẹp, đồi dốc, khe suối trong rừng già, xe đạp thồ luồn lách rất dễ dàng.

Mỗi chiếc xe đạp thồ lúc đầu chở được 100 kg lương thực. Sau đó cải tiến nâng dần lên chở 200-300 kg, có một dân công người tỉnh Phú Thọ chở được 352 kg.

Một chiếc xe đạp thồ chở gạo gấp 10 lần so với người gánh, suất ăn dọc đường chỉ tốn cho một người. Như vậy một người và một chiếc xe đạp bằng 100 dân công gánh gạo. Tính ra đội quân xe đạp thồ 20.000 người bằng hai triệu dân công gánh, gùi, chưa nói đến chuyện quay vòng trở lại nhanh hơn.

Máy bay vận tải Pháp liên tục tiếp tế cho quân đội Việt Nam

Từ xưa đến nay, trong các cuộc chiến tranh, những trận đánh nhằm vào lực lượng hậu cần, chặn đường tiếp tế, phá kho hàng để tiêu diệt sinh lực của đối phương là chuyện vẫn thường xảy ra, thời nào cũng có.

Nhiều trận đánh chiếm vũ khí, lương thảo, quân trang, quân dụng của nhau để gậy ông đập lưng ông. Thậm chí do mắc mưu, do nhầm lẫn mà vô tình cung cấp tiếp tế cho đối phương cũng đã từng có. Ngay cả như chuyện được hư cấu cho thêm phần ly kỳ, hấp dẫn là chuyện Gia Cát Lượng dùng thuyền rơm để lừa quân của Tào tháo cung cấp cho hàng chục vạn mũi tên.

Còn ở Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy quân Pháp tập trung thả dù tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Họ biết rất rõ việc làm bất đắc dĩ này đã cung cấp cho quân đội Việt Nam từng ngày... Biết rất rõ mà không có cách nào hạn chế, khắc phục được. Biết mà vẫn cứ phải tiếp tục làm với số lượng ngày một nhiều hơn, với thời gian không phải là một, hai ngày mà kéo dài suốt 34 ngày.

Khi trận đánh diễn ra được ba tuần lễ, vòng vây đã khép chặt lại. Ở vòng ngoại vi của trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bên giặc Pháp và bên ta gần như xen kẽ nhau, có điểm lúc này thuộc bên này, lúc khác lại thuộc bên kia. Lúc này, hơn một vạn binh sĩ Pháp chỉ trông chờ vào việc tiếp tế bằng đường hàng không. Máy bay vận tải của Pháp không dám hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh vì nằm trong tầm pháo kích của ta, sau đó sân bay còn bị hệ thống giao thông hào cắt đứt. Chỉ còn lại một con đường và một cách duy nhất là thả dù.

Về nguyên tắc, máy bay muốn thả dù, thả hàng trúng đích cần phải có hai điều kiện: Một là bay ở độ cao thấp để tránh gió dạt. Hai là phải tính được hướng gió và tốc độ gió để chọn điểm thả cho trúng đích.

Cả hai điều kiện này phía không quân Pháp đều không có được. Vì vậy khi thả dù, có chiếc rơi đúng vào khu trung tâm của quân Pháp, có chiếc rơi vào khu vực của quân ta, có chiếc lại rơi vào giữa hai bên. Bên này ra lấy, bên kia bắn và ngược lại. Ban đêm quân Pháp không dám ra, chỉ bắn vu vơ cầm chừng, các chiến sĩ ta bò ra kéo hàng về...

Cuộc lui quân chưa từng có

Trước khi nổ súng mở màn trận Điện Biên Phủ gần 2 tháng, bộ đội ta đã một lần lui quân khỏi các vị trí bàn đạp dù đã bố trí xong xuôi sẵn sàng xuất kích. Cuộc lui quân ở Điện Biên Phủ diễn ra trong bối cảnh quân ta đông hơn, lực lượng mạnh hơn, thế ta lớn hơn, ta bao vây ở phía trên các triền núi và đã bố trí xong binh lực, hỏa lực.

Trung tuần tháng 1-1954, ta đã chuẩn bị xong để tiến công Điện Biên Phủ. Về lực lượng: Ta có 27 tiểu đoàn bộ binh, địch có 12 tiểu đoàn (27/12); trọng pháo yểm trợ cho bộ binh ta có 64 khẩu, địch có 48 (64/48); pháo của ta đặt trên núi hướng xuống các vị trí tập đoàn địch ở lòng chảo; địch có 5 chiếc xe tăng loại nhẹ và có máy bay yểm trợ từ xa. Nhưng ta có 4 đại đội súng cối 120 ly 16 khẩu; 1 trung đoàn cao xạ pháo 37 ly 24 khẩu và rất nhiều súng DKZ (loại súng chống xe tăng) trang bị đến từng đại đội.

Phương án ban đầu là đánh nhanh thắng nhanh.

Ngày 14/1/1954 tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Tổng tư lệnh và Ban chỉ huy mặt trận triệu tập tất cả cán bộ từ cấp tiểu đoàn trở lên để phổ biến lệnh tác chiến bí mật dự định ngày nổ súng 20/1/1954.

Do một đơn vị đại bác vào trận địa chậm nên quyết định lùi lại thêm 5 ngày (tức là 25/1/1954), giờ nổ súng là 17 giờ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: Ngày 25/1/1954 có một sự cố không may xảy ra, một chiến sĩ của Đại đoàn 312 bị địch bắt. Sau đó ta đã bắt được điện đài của địch gọi báo cho nhau: Việt Minh sẽ tấn công chiều 25/1 (thực tế sau này mới biết ra do cơ quan hậu cần của ta điện báo cho nhau nên địch biết tin, không phải do chiến sĩ bị bắt). Vì thế Bộ chỉ huy quyết định hoãn lại 24 giờ, chuyển sang 26/1.

Để có ngày chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954; một mốc son trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, cần ghi nhận một ngày rất quan trọng đó là ngày 25/1/1954, một bước ngoặt cho trận đánh Điện Biên Phủ, một quyết định vô cùng quan trọng không chỉ đối với quân đội ta ở Điện Biên Phủ mà còn với cả vận mệnh của dân tộc và Tổ quốc Việt Nam, không có quyết định trong ngày đó thì không biết có chiến thắng ngày 7/5/1954 hay không.

Cả đêm 25/1, Đại tướng Võ Nguyên Giáp suy nghĩ và thấy ba khó khăn hiện lên rất rõ:

Một là, bộ đội chủ lực của ta cho đến nay chỉ mới đánh tiêu diệt 1 tiểu đoàn địch có công sự vững chắc, nếu các công sự nằm liên hoàn trong một cứ điểm quân số 1 tiểu đoàn như ở Nà Sản, ta đánh đã không thành công, và bị thương vong nhiều.

Hai là, trận này là một trận đánh hợp đồng lớn, pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện, chưa qua diễn tập, vừa qua có trung đoàn trưởng xin trả lại pháo vì không biết phối hợp như thế nào.

Ba là, bộ đội ta từ trước tới nay chỉ quen tác chiến ban đêm ở những địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm tấn công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng, nhất là với một kẻ địch có ưu thế tập trung máy bay, pháo binh, xe tăng chi viện.

Lắng nghe, suy nghĩ ý kiến báo cáo của các tướng lĩnh từng sát cánh trong Bộ chỉ huy với ông, gần gũi nhất là đồng chí Hoàng Văn Thái, trăn trở về ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng là không đánh, thất bại là hết vốn, suy nghĩ suốt đêm 25/1, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định phải cho lui quân. Phải họp ngay Bộ tư lệnh vào sáng hôm sau.

Trong cuộc họp Đảng ủy, Bộ chỉ huy mặt trận, Đại tướng trình bày các suy nghĩ của mình. Mọi người tuy trong lòng có những điều phân vân trước trận đánh. Nhưng nói chung ai cũng muốn cho đánh ngay. Với hy vọng vẫn có khả năng giành thắng lợi.

Ý kiến chưa thống nhất nên cuộc họp phải tạm dừng.

Tuy nhiên, sau đó mọi người phát biểu không ai tin rằng trận này sẽ chắc thắng, mà chỉ cho rằng có thể thắng.

Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định hoãn cuộc tấn công chiều hôm đó.

Lệnh lui quân được ban hành đến toàn mặt trận vào buổi chiều.

Tất cả các đơn vị lập tức lui về vị trí tập kết. Pháo lại phải kéo ra. Việc kéo pháo ra còn gian khổ nguy hiểm hơn nhiều so với kéo pháo vào. Máy bay địch liên tục trinh sát, ném bom quanh Điện Biên Phủ.

Trong vòng gần 2 tháng trời sau đó, quân ta đã nghi binh đánh lạc hướng địch, và mở đường rộng hơn, dài hơn chung quanh núi rừng Điện Biên Phủ, lại kéo pháo vào, xây dựng công sự kiên cố hơn. Quân ta lại đào hào sâu hơn, tiếp cận gần hơn căn cứ của địch, lương thảo, vũ khí từ hậu phương dồn lên cho mặt trận nhiều hơn. Quân sĩ chuẩn bị đầy đủ cho trận đánh dài ngày, có thể sang đến cả mùa mưa.

Chiều 13/3/1954. Mặt trận dần dần lặn sau dãy núi phía Tây Điện Biên Phủ. Chiếc máy bay khu trục cuối cùng của quân Pháp vòng trở đầu về phía Đông theo hướng Hà Nội.

Sương buông nhẹ trên lòng chảo Điện Biên. Toàn mặt trận yên ắng lạ thường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện cho chỉ huy sở pháo binh: Pháo binh đã sẵn sàng chưa?

Quyền tư lệnh Đào Văn Thường trả lời: Báo cáo tất cả đã sẵn sàng, chờ lệnh Bộ chỉ huy.

Vì có sương mù nên các đơn vị bộ binh đề nghị cho tấn công sớm. Đại tướng đồng ý và dõng dạc ra lệnh: Chiến dịch lịch sử bắt đầu, pháo binh bắn, bắn thật mạnh, bắn cấp tập.

Cùng lúc, toàn bộ lực lượng pháo binh ta 40 khẩu đồng loạt nhả đạn.

Lúc đó là 17 giờ 05 ngày 13/3/1954.

Sau đó, 56 ngày đêm quân ta liên tục tấn công, tiêu diệt dần từng bộ phận, từng cứ điểm cho đến khi hàng vạn quân địch đầu hàng, quân ta chiếm được chỉ huy sở của chúng, bắt tướng giặc và toàn bộ chỉ huy của chúng. Cờ đỏ Quyết chiến, quyết thắng phất bay trên nóc hầm tướng Đờ Caxtri.

Đó là chiều mùng 7/5/1954 chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đi vào lịch sử.

Sau này, một số tướng lĩnh nổi tiếng của Quân đội ta khi nhớ về quyết định lui quân lịch sử ngày 26/1/1954 đã nói rằng nếu không có nó có thể cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đã phải kéo dài thêm nhiều năm và nhiều người trong số họ đã không thể có mặt ở ngày chiến thắng.

Tác giả bài viết: Phạm Quang Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 
(Chú ý: Website đang trong giai đoạn hoạt động thử nghiệm, đang định xin giấy phép MXH của Bộ TT & TT)
Lên đầu trang
Array
(
    [type] => 8192
    [message] => preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead
    [file] => /home/pwhqfmvb/GiangVien/includes/countries.php
    [line] => 435
)