Chuyên cung cấp tài liệu


Từ khóa cần tìm:

Một số mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình xây dựng lối sống mới ở nước ta hiện nay

Thứ tư - 09/07/2008 07:17
Một số mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình xây dựng lối sống mới ở nước ta hiện nay

Một số mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình xây dựng lối sống mới ở nước ta hiện nay

Quá trình xây dựng lối sống ở nước ta hiện nay đang gặp phải một số mâu thuẫn. Đó là, thứ nhất, mâu thuẫn giữa yêu cầu kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc với xu hướng phủ nhận những phẩm chất đó; thứ hai mâu thuẫn giữa yêu cầu kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với xu hướng phương Tây hóa; thứ ba, mâu thuẫn hóa giải các mâu thuẫn đó, đồng thời đảm bảo mục tiêu xây dựng lối sống mới, hiện đại, văn minh và mang đậm bản sắc dân tộc, chúng ta cần quán triệt, cả trong nhận thức và hành động, yêu cầu có tính nguyên tắc của Đảng là kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc kết hợp với tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại.

1. Mâu thuẫn giữa yêu cầu kế thừa, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc với xu hướng phủ nhận phẩm chất đó.
Việc xây dựng lối sống mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội hiện nay là một vấn đề bức thiết đối với đất nước ta. Lối sống mới đó phải được hình thành, phát triển cùng với sự phát triển của xã hội. Nó phải là lối sống văn minh, tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc được kết tinh từ các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc và những giá trị mới, những tinh hoa văn hoá của nhân loại. Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay đã nhấn mạnh: "Những giá trị văn hoá truyền thống vững bền của dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, đạo lý "thương người như thể thương thân", đức tính cần cù, vượt khó, sáng tạo trong lao động ... Đó là nền tảng tinh thần to lớn để nhân dân ta xây dựng một xã hội phát triển, tiến bộ, công bằng, nhân ái"(1). Cho nên, kế thừa và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống kết hợp với tinh hoa văn hoá của nhân loại là một quá trình tất yếu trong xây dựng lối sống mới ở Việt Nam hiện nay. Lối sống đó phải hội đủ 5 đức tính cơ bản mà Nghị quyết Trung ương V ( khoá 8) của Đảng đã xác định, đó là:
"- Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
- Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung.
- Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.
- Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực"(2).
Năm đức tính này thể hiện đặc trưng lối sống mới của người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá để phát triển đất nước.
Trong những năm qua, nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đã được thiết lập và bước đầu có sự phát triển tương đối đa dạng, phong phú và ngày càng năng động hơn. Mức sống của người dân được nâng cao rõ rệt. Quá trình toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế mang lại cho người dân khá nhiều cái mới, cái hiện đại từ phương Tây đồng thời, nó cũng tạo ra những biến đổi theo chiều hướng xấu trong nhận thức của một bộ phận nhân dân về các giá trị truyền thống, về lối sống cá nhân và dân tộc. Biểu hiện rõ nét nhất là xu hướng coi thường, thậm chí phủ nhận các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, đồng thời đề cao quá mức các giá trị ngoại lai mà họ cho là "mới, "hiện đại".
Một khuynh hướng cực đoan hơn, trước sự phát triển về phương diện kinh tế của phương Tây, một số người tỏ thái độ sùng bái, "tâm phục, khẩu phục" mọi "giá trị" của phương Tây mà không có sự suy ngẫm, đánh giá sáng suốt. Điều nguy hiểm là, với lối tư duy siêu hình và quan niệm thực dụng, không ít người ấp ủ, mơ tưởng có một "lối sống mới" hoàn toàn theo kiểu Tây, tách khỏi các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Hiện nay, có một số thanh niên đi du học bằng con đường tài trợ học bổng hoặc tự túc, sau khi tốt nghiệp trở về nước, tỏ ra xem thường tất cả những gì mà dân tộc ta đã có và hiện có. Họ phủ nhận tất cả. Thực tế đã chứng tỏ, không phải bất kỳ ai được học hành, đào tạo và tất nghiệp từ phương Tây cũng giỏi cả, mà còn có không ít người vừa mỏng về lượng kiến thức, vừa bị ảnh hưởng của lối sống vốn xa lạ với truyền thống dân tộc.
Đánh giá về thực trạng đạo đức, lối sống ở nước ta trong thời gian qua, Nghị quyết Trung ương V (khoá 8) nhấn mạnh: "Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hoá dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ... đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc"(3). Đây thực sự là một vấn đề bức xúc trong xã hội ta hiện nay và cần được khắc phục sớm. Bởi vì, các thế lực thù địch luôn rình rập và chờ đợi những cơ hội như vậy để thực hiện cuộc "xâm thực văn hoá" với ý đồ làm cho người dân quên lãng dần những gì là thuần phong mỹ tục, di sản ông cha ta đã trải hàng mấy nghìn năm dày công kiến tạo và gìn giữ. Những di sản văn hoá truyền thống đã làm nên sức mạnh, tâm hồn, cốt cách, bản lĩnh và lối sống cao đẹp của dân tộc ta. Các giá trị ấy là cơ sở để liên kết xã hội và liên kết các thế hệ, là nguồn lực nội sinh cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, còn là bộ lọc ngăn chặn những phản giá trị trong văn hoá ngoại nhập.
Trong những năm qua, việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống chưa được chúng ta tiến hành một cách thường xuyên, liên tục và có hiệu quả. Vấn đề giáo dục lý tưởng, giá trị văn hoá truyền thống cho nhân dân nói chung chưa được đầu tư đúng mức. Ngay trong hệ thống giáo dục và đào tạo, công tác đó cũng chưa được chú trọng một cách đúng mức: Việc giảng dạy các môn học về lịch sử dân tộc, về chính trị, đạo đức, về giá trị văn hoá truyền thống còn ở mức độ thứ yếu so với những môn học khác; nội dung giáo dục truyền thống còn có khoảng cách với thực tiễn. Hầu hết các hoạt động giáo dục về nội dung này của nhà trường cũng như của các tổ chức, đoàn thể xã hội thực hiện theo hình thức và phương pháp cũ, đơn điệu, thiếu chiều sâu, thiếu mô hình, biện pháp phù hợp, thiết thực, hấp dẫn.
Chúng ta chủ trương giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, mọi hoạt động giáo dục, văn hoá nghệ thuật phải hướng vào mục tiêu ấy. Đó là chủ trương đúng. Song, vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để phát triển, nâng các giá trị văn hoá truyền thống lên một tầng cao hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và phù hợp với thời đại mới, chứ không chỉ dừng lại ở những gì đã có. Thử lấy ví dụ trong lĩnh vực âm nhạc. Chúng ta giữ gìn âm nhạc truyền thống với các làn điệu dân ca, các điệu lý là đúng. Nhưng, nếu thể loại đó không được cải biến, bổ sung và phát triển, nâng lên thành cái mới, cái hiện đại thì sẽ làm cho người xem, người nghe cảm thấy nhàm chán, buồn tẻ. Cho nên, nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ vốn năng động và luôn có xu hướng đi tìm cái mới, đã tiếp nhận một cách vô tội vạ những nhạc phẩm Pop, Rap, Rock... mới, lạ của phương Tây. Đây là vấn đề cần được suy nghĩ nghiêm túc. Thật ra, chúng ta vốn có nhiều ca khúc hay vừa mang bản sắc dân tộc, vừa mang tính hiện đại, như Tùy hứng lý qua cầu, Ngựa ô thương nhớ của nhạc sĩ Trần Tiến được sáng tác dựa trên chất liệu dân ca Nam bộ; Đất nước lời ru của nhạc sĩ Văn Thành Nho, Chiều Xuân của nhạc sĩ trẻ Ngọc Châu; hoặc Chảy đi sông ơi, Trên đỉnh Phù Vân của Phó Đức Phương đều dựa trên chất liệu ca trù Bắc bộ để phát triển thành ca khúc mới, với giai điệu mang âm hưởng dân tộc kết hợp tiết tấu hiện đại của âm nhạc phương Tây được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Đó là những đóng góp đáng trân trọng và xã hội ta đang cần nhiều hơn những đóng góp như vậy, bởi đấy là cách để chúng ta vừa bảo tồn được các giá trị văn hoá truyền thống, vừa tiếp nhận có cải tạo những yếu tố tích cực của văn hoá nhân loại nhằm hình thành những giá trị mới mang bản sắc Việt Nam.
Sự phân tích trên đây cho thấy, trong quá trình xây dựng lối sống mới ở nước ta hiện nay, đã xuất hiện mâu thuẫn giữa yêu cầu kế thừa và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc với xu hướng trái ngược - coi thường hoặc muốn phủ nhận các giá trị văn hoá truyền thống đó. Đây là một trong những mâu thuẫn phức tạp mà chúng ta phải nhận diện rõ để có hướng và biện pháp giải quyết kịp thời, có hiệu quả nhằm xây dựng cho nhân dân một lối sống mới phù hợp với truyền thống và hiện đại.
2. Mâu thuẫn giữa yêu cầu kế thừa, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc với xu hướng phương Tây hoá.
Quá trình toàn cầu hoá hiện nay là một xu thế tất yếu, khách quan. Trong địa hạt văn hoá, có sự lo ngại rằng, quá trình toàn cầu hoá sẽ dẫn đến sự xâm nhập, bành trướng của văn hoá phương Tây, văn hoá Mỹ vào các quốc gia khác trên thế giới và các dân tộc đứng trước nguy cơ phải mặc "bộ đồng phục văn hoá", đánh mất bản sắc văn hoá của mình. Nhận ra điều này, từ năm 1983, Đại hội đồng lần thứ 22 của UNESCO, Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết về phát triển văn hoá; trong đó, bản sắc văn hoá là một vấn đề lớn, được nhiều người quan tâm.
Những năm qua, tại nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chiến lược phát triển văn hoá riêng nhằm chống lại nguy cơ áp đặt văn hoá mà toàn cầu hoá đem lại. Một số chính phủ đã dựa vào bản sắc văn hoá dân tộc, ý thức hệ truyền thống và thậm chí, cả tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc mình để chống lại sự áp đặt văn hoá từ các nước lớn. Người ta cho rằng, sự hồi sinh của các nền văn hoá dân tộc, ý thức tìm về cội nguồn là cách khẳng định vị thế dân tộc mình, chống tại đồng nhất văn hoá, bá quyền văn hoá, "Mỹ hoá văn hoá". Sâu sắc hơn, họ coi việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc là hình thức an ninh chiến lược liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của một dân tộc. Một số nước đã đẩy văn hoá lên thành thứ "quyền lực mềm" của chính trị quốc tế, làm nảy sinh ý thức về chủ quyền văn hoá; coi bảo vệ văn hoá cũng tức là bảo vệ chủ quyền quốc gia"(4).
Trung Quốc, một quốc gia có nền văn hoá kỳ vĩ, phải tuyên bố chống ô nhiễm tinh thần; Nhật Bản liên tục mở những Hội nghị bàn về văn hoá dân tộc; Singapo áp dụng triệt để chiến lược đa sắc tộc. Ngay ở phương Tây, Pháp cũng kêu gọi cấm tự do lưu thông sản phẩm văn hoá. Người Ảrập trong 3/4 thế kỷ, chỉ đặt cho mình một câu hỏi chung nhất: "Ta là ai và kẻ khác là ai ?" và để hướng đến một tương lai tươi sáng thì "ta phải là ta hay ta trở thành kẻ khác"(5). Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Đảng ta coi văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; coi mọi hoạt động văn hoá, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh để phát triển xã hội. Đề cập đến các giải pháp phát triển văn hoá xã hội, Hội nghị Trung ương IX ( khoá 9) đã nhấn mạnh nhiệm vụ "Tăng cường quản lý Nhà nước, hoàn thiện cơ chế, chính sách và giải pháp đẩy mạnh việc xây dựng nếp sống, lối sống văn hoá, văn minh; giữ gìn và phát triển các giá trị tốt đẹp của xã hội và con người Việt Nam" và yêu cầu phải "có cơ chế khuyến khích lối sống văn hoá lành mạnh, văn minh và tạo dư luận mạnh mẽ đấu tranh chống các biểu hiện của lối sống không lành mạnh, suy thoái đạo đức, trái với bản sắc tốt đẹp của dân tộc"(6).
Cần chú ý rằng, khi văn hoá chiếm lĩnh một cách rộng rãi và có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội thì ảnh hưởng của nó đến lối sống của con người là điều tất yếu. Sự ảnh hưởng của văn hoá và lối sống phương Tây đến lối sống của người dân nước ta biểu hiện khá rõ. Thanh niên Việt Nam ngày nay chịu tác động quá nhiều từ lối sống phương Tây. Một bộ phận trong số họ chạy theo thứ văn hoá và lối sống "hiện đại ấy, coi đó là "mô hình chuẩn" để đánh giá so sánh với các nền văn hoá khác. Ai không theo "mô hình chuẩn" đó thì được coi là không "sành điệu, là lỗi thời, lạc hậu. Họ thích chạy theo các mốt thời trang kiểu Tây, hở hang, phô bày cơ thể, không phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của dân tộc; thích uống rượu ngoại, ăn đồ ngoại hơn là sản phẩm trong nước; thích xem phim bạo lực hoặc tình cảm "quá trớn" hơn là phim tâm lý xã hội Việt Nam. Họ thực dụng, ít hoặc không quan tâm đến lý tưởng chính trị xã hội; thích lối sống sòng phẳng hơn là nghĩa tình... Đó là những biểu hiện xa rời lối sống truyền thống của dân tộc, xa rời bản sắc dân tộc, chạy theo lối sống lai căng ngoại nhập vốn rất xa lạ với dân tộc Việt Nam. Đúng như nhận định của Đảng rằng, nội dung tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc về nhiều mặt chưa được định hình rõ nét trong lối sống văn hoá, nếp sống văn hoá của người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; môi trường văn hoá còn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội; vẫn còn không ít các sản phẩm văn hoá, hoạt động văn hoá lai căng, thấp kém, thậm chí độc hại(7).
Như vậy, trong thời đại ngày nay, toàn cầu hoá vừa mang đến nhiều cơ hội mới, giá trị mới, nhưng nó cũng đem lại cho chúng ta không ít thử thách về kinh tế, chính trị và đặc biệt là về văn hoá, lối sống. Điều này đặt ra vấn đề phải suy nghĩ là, làm thế nào để giữ gìn được các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc trước xu hướng phương Tây hoá trong xây dựng lối sống? Đây là một trong những mâu thuẫn đang đặt ra và cần được giải quyết ngay với kết quả tốt nhất trong quá trình xây dựng lối sống mới hiện nay ở nước ta.
3. Mâu thuẫn giữa yêu cầu kế thừa, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc với xu hướng bảo thủ, phục cổ.
Trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay, chúng ta phải xây dựng lối sống mới phù hợp với sự phát triển của xã hội công nghiệp, từng bước xây dựng, phát triển kinh tế tri thức, hội nhập khu vực và quốc tế, nhưng vẫn giữ gìn và phát huy được các giá trị tốt đẹp trong lối sống cổ truyền của dân tộc. Lối sống cổ truyền trước đây của dân tộc là lối sống của xã hội nông nghiệp. Hiện nay, bên cạnh những giá trị tích cực như đề cao tính cộng đồng, lòng yêu thương gắn bó, "tối lửa tắt đèn có nhau¦ lối sống cũ đó cũng chứa đựng và bộc lộ những mặt tiêu cực, cản trở quá trình xây dựng lối sống mới hiện đại. Hơn nữa, có một thực tế là, một yếu tố nào đó vốn được coi là giá trị trong truyền thống nhưng đến nay, do điều kiện khách quan có sự thay đổi, lại tỏ ra không còn phù hợp nữa thì việc loại bỏ nó cũng không đơn giản chỉ trong một sớm một chiều, bởi vì nó đã thâm nhập và trở thành máu thịt của con người. Nhà văn Đôxtôiépxki đã đúng khi ông đưa ra nhận xét cho rằng, không thể chỉ trong chốc lát mà một thế hệ bứt được ra khỏi di sản mà nó kế thừa; không thể chỉ trong chốc lát mà con người chối bỏ được cái đã thành máu thịt của mình(8).
Thực tế đã hơn một lần chứng minh rằng, cái được gọi là truyền thống bao giờ cũng mang tính ổn định, tính lưu truyền, và do vậy, nó tồn tại lâu dài trong nếp tư duy, thói quen, tập quán của con người, ngay cả khi những cơ sở của nó đã biến đổi Có thể nêu một số hạn chế trong lối sống trước đây, đó là thói quen manh mún, tản mạn, tùy tiện, được chăng hay chớ, tính vô kỷ luật, xem thường pháp luật khả năng hợp tác trong công việc hạn chế, tâm lý bè phái, cục bộ, thái độ "trọng nam, khinh nữ", coi thường người trẻ, ghét người giàu có tài sản hơn mình... Theo đánh giá của các nhà khoa học thì ảnh hưởng của nền văn minh nông nghiệp đến lối sống của người Việt Nam là rất lớn. Có thể thấy, tâm lý điển hình của người Việt Nam là tâm lý làng xã, mang những yếu tố cần khắc phục, như chủ nghĩa tình cảm, chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa bình quân, thói quan liêu, gia trưởng... Đấy là những đặc điểm của lối sống cổ truyền không còn phù hợp với thời đại ngày nay. Nó đang là những rào cản đối với việc xây dựng lối sống công nghiệp hiện đại hiện nay. Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng, thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ rằng, chúng ta lại không thể trấn áp, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, chịu khó, lâu dài. Vì thế, chúng ta cần khắc phục những thói quen và truyền thống đã tỏ ra không còn phù hợp nhằm xây dựng lối sống mới hiện đại, văn minh.
Ngày nay, có một số người nhân danh bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc trong xây dựng lối sống, nhưng họ lại đề cao quá khứ, coi thường hiện tại và tương lai, thậm chí chủ trương phục cổ, cắt đứt mối liên hệ giữa quá khứ - hiện tại - tương lai. Một số người khác nhân danh kế thừa và phát huy truyền thống của dân tộc để khôi phục những hủ tục lỗi thời trong lối sống cũ, như mê tín, dị đoan, phục hồi các hủ tục trong tang ma, cưới hỏi... Không ít cán bộ có chức có quyền còn mang nặng ý thức dòng họ, gia tộc, địa phương hoặc tìm cách lôi kéo, cất nhắc, đề bạt người kém cả đức tài vào chức này, chức kia, tạo nên bè phái cất để bênh vực, bảo vệ mình. Ở nhiều địa phương, các hủ tục lạc hậu, hoạt động mê tín dịđoan, phản khoa học, trái với thuần phong mỹ tục ngày càng gia tăng đến mức báo động.
Cho nên, việc giải quyết mâu thuẫn giữa việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống với xu hướng bảo thủ, phục cổ trong xây dựng lối sống mới ở nước ta hiện nay là vấn đề bức thiết đang đặt ra. Không khắc phục được sớm, có kết quả tất những tâm lý, hủ tục nói trên thì đừng nói gì đến việc xây dựng lối sống hiện đại tiến bộ.
Như vậy, vấn đề nảy sinh trong xây dựng lối sống mới ở nước ta hiện nay chính là phát hiện những mâu thuẫn nêu trên, từ đó đề ra biện pháp giải quyết kịp thời để xây dựng lối sống mới với những ưu việt của nó ở nước ta hiện nay.
Những mâu thuẫn trên đây là không thể tránh khối trong quá trình phát triển. Vấn đề quan trọng là ở chỗ, các mâu thuẫn đó được nhận thức và xử lý như thế nào. Chúng tôi cho rằng: "Mở rộng và nâng cao hiệu quả cuộc vận động ", Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sông văn hoá", "Xây dựng nếp sông văn minh và gia đình văn hoá", phong trào "Người tốt, việc tốt", làm cho văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hoá đồi truỵ, độc hại. Nâng cao tính văn hoá trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân"(9) chính là biện pháp tích cực để "hoá giải" các mâu thuẫn trên, tạo động lực mới để xây dựng thành công lối sống hiện đại, văn minh và mang đậm bản sắc dân tộc của con người Việt Nam.

Tác giả bài viết: Phạm Quang Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
(Chú ý: Website đang trong giai đoạn hoạt động thử nghiệm, đang định xin giấy phép MXH của Bộ TT & TT)
Lên đầu trang
Array
(
    [type] => 8192
    [message] => preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead
    [file] => /home/pwhqfmvb/GiangVien/includes/countries.php
    [line] => 435
)