Các giải pháp chủ yếu để góp phần đẩy mạnh công tác tiêu thụ sản phẩm và tăng doanh thu tại công ty Điện Cơ Thống Nhất
Đăng ngày 11-01-2013 Lúc 06:46'- 3710 Lượt xem
Giá: 5 000 VND / 1 Tài liệu
CHƯƠNG I
NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN CHUNG VỀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM
VÀ DOANH THỤ TIÊU THỤ SẢN PHẨM CỦA DOANH NGHIỆP TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
                                                                        
I/ Tiêu thụ sản phẩm và doanh thu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp
Doanh nghiệp là một tổ chức kinh tế tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu thị trường và thu về cho mình một khoản tiền nhất định. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được hiểu là việc thực hiện một, một số hay tất cả các công đoạn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên thị trường nhằm mục tiêu sinh lời thông qua việc đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Trong nền kinh tế thị trường, tiêu thụ sàn phẩm và doanh thu tiều thụ sản phẩm là vấn đề sống còn đối với mỗi doanh nghiệp. Chỉ khi nào sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó được tiêu thụ, có doanh thu thì các chi phí mới được bù đắp, doanh nghiệp mới có lợi nhuận, từ đó duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Vậy tiêu thụ sản phẩm và doanh thu tiêu thụ sản phẩm là gì?
1. Tiêu thụ sản phẩm
Theo nghĩa rộng đó là quá trình kinh tế bao gồm nhiều khâu từ nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu, tổ chức sản xuất, thực hiện các nghiệp vụ tiêu thụ sản phẩm đến xúc tiến bán hàng và dịch vụ sau bán hàng nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Theo nghĩa hẹp, tiêu thụ sản phẩm là quá trình chuyển giao sản phẩm của doanh nghiệp cho khách hàng và nhận tiền từ họ. Người mua va người bán gặp nhau, thương lượng về điều kiện mua, giá cả, thời gian… Khi hai bên thống nhất vơi nhau, có sự chuyển giao quyền sở hữu và sử dụng hàng hóa, tiền tệ thì quá trình tiêu thụ chấm dứt. Hay nói cách khác, tiêu thụ sản phẩm là quá trình đơn vị bán, xuất giao sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho đơn vị mua và đơn vị mua thanh toán tiền hàng hoặc chấp nhận thanh toán tiền hàng theo giá đã thỏa thuận. Chỉ qua tiêu thụ, tính chất hữu ích của sản phẩm xuất ra mới được thực hiện, hay nói cách khác, sản phẩm tiêu thụ xong mới được  xem là có giá trị sử dụng hoàn toàn. Thực chất của hoạt động tiêu thụ sản phẩm là quá trình thực hiện giá trị trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Xét trên góc độ sở hữu thì tiêu thụ sản phẩm là sự chuyền giao quyền sở hữu giữa người sản xuất và người tiêu dùng.
Xét trên góc độ kinh doanh thì tiêu thụ sản phẩm là khâu cuối cùng của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trên góc độ luân chuyển vốn thì tiêu thụ sản phẩm là quá trình chuyển hóa từ hình thái vật chất sang hình thái tiền tệ, làm cho vốn trở lại trạng thái ban đầu khi nó bước vào mỗi giai đoạn sản xuất mới. Quá trình luân chuyển vốn được thực hiện theo sơ đồ sau:
                                            
                                             Tư liệu lao động
                   T – H                 Đối tượng lao động …. Sản xuất …. H’ – T’
                                             Sức lao động  
 
Bắt đầu mỗi chu kỳ sản xuất, vốn được các nhà sản xuất đưa vào lưu thông mua các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất như: công cụ lao động, đối tượng lao động và sức lao động. Ở giai đoạn này, vốn bằng tiền được chuyển hóa thành vốn dưới hình thức vật chất (T - H), những vật chất này tạo ra sản phẩm thông qua giai đoạn sản xuất, sản phẩm hàng hóa được đưa ra tiêu thụ và kết thúc qúa trình tiêu thụ là doanh nghiệp sẽ thu được tiền về. Qua các giai đoạn khác nhau đồng vốn ban đầu của doanh nghiệp trở về hình thái vốn của nó (hình thái tiền tệ). Kết thúc chu kỳ này, vốn của doanh nghiệp lại chuyển sang chu kỳ mới, một vòng tuần hoàn mới theo đúng các giai đoạn mà nó trải qua.
Vậy tiêu thụ sản phẩm là khâu cuối cùng của quá trình sản xuất kinh doanh, quá trình luân chuyển vốn. Việc thực hiện giá trị và giá trị sử dụng của hàng hóa thông qua hai hành vi: Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng và được khách hàng thanh toán hay chấp nhận thanh toán.
Thời điểm kết thúc tiêu thụ sản phẩm là khi doanh nghiệp thu được tiền bán hàng hoặc nhận được giấy báo chấp nhận thanh toán tiền hàng theo giá đã thỏa thuận. Hàng được coi là đã tiêu thụ khi thõa mãn đồng thời cả hai điều kiện
+ Hàng đã chuyển cho người mua
+ Người mua đã trả tiền hay chấp nhận trả tiền.
Việc xác định đúng thời điểm tiêu thụ có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhìn nhận đúng thực trạng tình hình tiêu thụ sản phẩm, để từ đó tìm cách hạn chế yếu tố tiêu cực, phát huy nhân tố tích cực trong quản lý hoạt động tiêu thụ… Là cơ sở đánh giá tình hình sử dụng nguyên vật liệu, vốn sản xuất, để đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh một cách chính xác trong kỳ.
Trong cơ chế quản lý kinh tế tập trung, vấn đề tiêu thụ sản phẩm được hiểu rất đơn thuần: Nhà nước cấp chỉ tiêu cung ứng vật tư cho các đơn vị sản xuất theo lượng định, đồng thời chịu trách nhiệm đầu ra cho sản phẩm. Với cơ chế này, các đơn vị không có trách nhiệm cụ thể đối với hoạt động sản xuất, có tâm lý ỷ lại, kém năng động. Vì vậy, giá cả hàng hóa không phản ánh giá trị thực tế của nó nên sản xuất mặt hàng nào, chất lượng ra sao cũng có người mua và có “lãi”. Do không có môi trường cạnh tranh lành mạnh dẫn đến chất lượng sản phẩm hàng hóa ngày càng giảm sút, mẫu mã nghèo nàn, đơn điệu, kinh doanh kém hiệu quả và tụt hậu là điều không thể tránh khỏi của nền kinh tế.
Trong nền kinh tế thị trường, tiêu thụ là mục đích cơ bản. Phương châm thường trực của doanh nghiệp là: “Không sản xuất cái không được bán và cái không bán được”. Các doanh nghiệp chỉ tiến hành đầu tư, sản xuất kinh doanh khi đảm bảo chắc chắn rằng bán được hàng hay nói cách khác: Tiếng nói của thị trường đã được chú y lắng nghe. Tiêu thụ sản phẩm xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng đồng thời giúp người sản xuất hiểu rõ hơn về sản phẩm của mình để có biện pháp hoàn thiện hơn nữa nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu của xã hội. Có thể nói, sản xuất ra đã khó nhưng tiêu thụ sản phẩm còn khó hơn nhiều, việc đảm bảo trang trải chi phí, có lãi là vấn đề không đơn giản.
Tóm lại: Tiêu thụ sản phẩm được ví như là “ chất keo dính”, gắn chặt doanh nghiệp với thị trường, tạo cơ sở để hòa nhập, chấp nhận lẫn nhau, để có những tiền đề giải quyết cái gọi là môi trường kinh doanh của doanh nghiệp ở các giai đoạn sau. Như vậy, tiêu thụ sản phẩm trở thành vấn đề có ý nghĩa quyết định tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
2. Doanh thu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp
Doanh thu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ (hay còn gọi là doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh) là toàn bộ số tiền bán sản phẩm, hàng hóa, cung ứng dịch vụ đã thu được hoặc sẽ thu được từ việc hoàn thành cung cấp sản phẩm, hàng hóa dịch vụ cho khách hàng trong một thời kỳ nhất định. Trong doanh thu tiêu thụ sản phẩm bao gồm cả phần trợ cấp, trợ giá doanh nghiệp được hưởng khi thực hiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo yêu cầu của Nhà nước và trị giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội bộ và đem làm quà tặng, quà biếu cho các đơn vị    
 DT =
Trong đó:
DT: Doanh thu tiêu thụ sản phẩm trong kỳ.
Sti: Số lượng sản phẩm loại i tiêu thụ trong kỳ.
gt: Giá bán đơn vị sản phẩm
i: Loại sản phẩm tiêu thụ.
Doanh thu thuần tiêu thụ hàng hóa là toàn bộ tiền bán sản phẩm hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên thị trường sau khi trừ đi các khoản giảm trừ và thuế gián thu (không gồm VAT đầu ra của doanh nghiệp nộp VAT theo phương pháp khấu trừ
 
Doanh thu thuần = Doanh thu – Các khoản giảm trừ – Thuế gián thu
 
 
 

Trong đó:
Các khoản giảm trừ gồm:
 + Chiết khấu thương mại: Phần đã giảm trừ, hoặc đã thanh toán cho người mua hàng (sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ) với khối lượng lớn theo thỏa thuận đã ghi trên hợp đồng kinh tế hoặc cam kết mua, bán hàng.
+ Giảm giá hàng bán: Khoản giảm trừ cho người mua do không đảm bảo các điều kiện về hàng hóa trên hợp đồng.
+ Hàng bán bị trả lại: Trị giá hàng hóa bị trả lại do hàng kém, mất phẩm chất hoặc giao hàng không đúng hợp đồng bị bên mua từ chối thanh toán.
Thuế gián thu gồm: Thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt…
Trong thực tế do sự cạnh tranhh trên thị trường các doanh nghiệp đã áp dụng nhiều hình thức bán hàng khác nhau để có thể dành được lợi thế về khách hàng nên có nhiều trường hợp xác định doanh thu tiêu thụ sản phẩm
+ Trường hợp 1: Doanh nghiệp bán hàng được khách hàng thanh toán ngay. Khi đó lượng hàng hóa được xác định là tiêu thụ, đồng thời doanh thu bán hàng được xác định (doanh thu tiêu thụ sản phẩm trùng với tiền bán hàng về thời điểm thực hiện).
+ Trường hợp 2: Doanh nghệp xuất giao hàng hóa được khách hàng chấp nhận thanh toán nhưng chưa trả tiền ngay. Lúc này doanh thu tiêu thụ sản phẩm đã được xác định nhưng tiền bán hàng chưa thu về được.
+ Trường hợp 3: Doanh nghiệp bán hàng theo phương thức trả góp thì doanh thu tiêu thụ sản phẩm cũng được xác định theo giá trả ngay nhưng tiền bán hàng mới chỉ thu được một phần, phần còn lại tính theo thời kỳ (lãi tính trên khoản trả chậm được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính).
+ Trường hợp 4: Doanh nghiệp đã xuất giao đủ hàng cho khách hàng theo số tiền mà khách hàng đã trả trước. Khi đó, đồng thời với việc xuất hàng cho khách, tiền ứng trước trở thành tiền thu bán hàng của công ty. Doanh thu tiêu thụ cũng được xác định tại thời điểm này.
+ Trường hợp 5: Doanh nghiệp thu được tiền hàng hoặc được chấp nhận thanh toán số hàng đã gửi đi bán  hoặc giao cho đại lý. Trường hợp này hành vi xuất giao hàng và thanh toán tiền hàng cách nhau khá xa nên việc xác định sản phẩm là đã tiêu thụ hay chưa thường hay bị nhẫm lẫn do đó có thể nhầm lẫn doanh thu giữa kỳ hạch toán này và kỳ hạch toán trước cần phải để ý: Doanh thu tiêu thụ sản phẩm chỉ được xác định khi doanh nghiệp xuất giao hàng hóa, sản phẩm đồng thời được thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán.
Như vậy, thanh toán tiền hàng là một quá trình phức tạp nhưng quan trọng góp phần quyết định sự thành công hay thất bại, hiệu quả hay không hiệu quả của công tác tiêu thụ sản phẩm.
II/ Tầm quan trọng của việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tăng doanh thu đối với doanh nghiệp.
Tiêu thụ sản phẩm là giai đoạn cuối cùng kết thúc một chu kỳ sản xuất và mở đầu cho một chu kỳ tiếp theo. Chỉ có thông qua tiêu thụ sản phẩm, vốn của doanh nghiệp mới được quay vòng và sinh lời. Với số tiền thu được sau khi bán hàng doanh nghiệp có thể trang trải các chi phí nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, trả tiền lương cho công nhân… Có như vậy quá trình tái sản xuất kỳ sau mới được tiếp tục thực hiện một cách thường xuyên và liên tục.
Doanh thu tiêu thụ sản phẩm phản ánh quy mô quá trình tái sản xuất của doanh nghiệp, phản ánh trình độ chỉ đạo sản xuất kinh doanh, tổ chức công tác thanh toán. Nó là nguồn tài chính quan trọng để doanh nghiệp trang trải các khoản chi phí về công cụ lao động, đối tượng lao động đã hao phí trong quá trình sản xuất kinh doanh; có tiền để thanh toán tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động, trích BHXH, BHYT, KPCĐ; làm nghĩa vụ đối với Nhà nước như nộp các khoản thuế theo luật định.
Mục đích sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là sản xuất ra các sản phẩm đem ra tiêu thụ bên ngoài thị trường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội chứ không phải là tiêu dùng trong doanh nghiệp. Qua tiêu thụ sản phẩm doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển được.
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thực hiện doanh thu bán hàng đầy đủ và kịp thời góp phần làm tăng tốc độ luân chuyển vốn, rút ngắn kỳ thu tiền trung bình, giảm lượng tồn kho, tăng khả năng sinh lời của đồng vốn, là điều kiện để doanh nghiệp thực hiện tái sản xuất, đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, tạo nguồn tài chính tiềm năng cho doanh nghiệp để bù đắp chi phí và để thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, đảm bảo tình hình tài chính của công ty lành mạnh, vững chắc đồng thời làm tăng uy tín cho công ty trên thị trường.
Tiêu thụ là khâu cuối cùng để đồng vốn quay về hình thái giá trị ban đầu. Tiêu thụ sản phẩm nhanh chóng, kịp thời góp phần tiết kiệm các khoản chi phí bán hàng, chi phí kho bãi, bảo quản… góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận. Ngược lại, nếu công tác tiêu thụ sản phẩm diễn ra chậm chạp, yếu kém sẽ kéo dài chu kỳ sản xuất làm cho việc sử dụng vốn kém hiệu quả và gây ra những thiệt hại to lớn như: mất thời cơ, cơ hội kinh doanh… thậm chí làm toàn bộ quá trình đầu tư sản xuất trở nên vô ích, lãng phí. Trong “Tư bản ” quyển 2 tập 1- NXB Sự thật năm 1961, C. Mác đã nói: “Nếu ngay trong giai đoạn cuối cùng H– T hàng hóa bị chất đống không bán được sẽ làm tắc nghẽn lưu thông…”
Sản phẩm được tiêu thụ nghĩa là doanh nghiệp đã đi đúng hướng, từng bước thực hiện được mục tiêu của mình, chứng tỏ sản phẩm sản xuất và tiêu thụ về mặt khối lượng, chất lượng, giá trị sử dụng, giá cả đã phù hợp với nhu cầu thị trường. Từ đó, doanh nghiệp có thể thâm nhập vào thị trường, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, từng bước cạnh tranh để thấy và khẳng định chính mình, qua đó hoạch định chiến lược, phát triển sản xuất kinh doanh với những bước đi sáng tạo.
Tổ chức quá trình tiêu thụ sản phẩm là rất quan trọng đối với việc xây dựng, thực hiện kế hoạch lưu chuyển hàng hóa để từ đó đề ra những biện pháp có hiệu quả nhằm thực hiện kế hoạch tài chính và các kế hoạch khác. Trong quá trình này tính chủ động sáng tạo của doanh nghiệp ngày một nâng cao, nó gắn với việc tính toán thời gian, mức sản lượng cần cung ứng với số tiền bỏ ra trong kinh doanh của doanh nghiệp và sự nhạy cảm của khách hàng.
 
III/ Phương hướng, biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tăng doanh thu của doanh nghiệp
1. Các nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm và doanh thu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
Trong môi trường biến động như hiện nay, quá trình tiêu thụ sản phẩm và doanh thu tiêu thụ cũng chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố cả chủ quan lẫn khách quan. Trong những nhân tố đó có những nhân tố chính thường xuyên tác động mà mỗi khi tổ chức công tác tiêu thụ sản phẩm doanh nghiệp phải xem xét và đặc biệt quan tâm.
1.1. Nhóm nhân tố thuộc về môi trường kinh doanh
Các nhân tố thuộc môi trường kinh doanh là các yếu tố khách quan mà doanh nghiệp không thể kiểm soát được, nghiên cứu các nhân tố này không phải để điều khiển nó theo ý muốn của doanh nghiệp mà nhằm tạo ra khả năng thích ứng tốt nhất với xu hướng vận động của nó.
Môi trường kinh doanh tác động liên tục đến hoạt động của doanh nghiệp theo những xu hướng tốt và xấu khác nhau, vừa tạo ra cơ hội, vừa hạn chế khả năng thực hiện mục tiêu kinh doanh.
+ Các chính sách kinh tế xã hội của Nhà nước.
Tùy vào từng thời điểm khác nhau mà Nhà nước có những chính sách phát triển kinh tế- xã hội khác nhau, điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Một mặt có tác động tích cực, thúc đẩy phát triển,  mặt khác lại có tính kìm hãm, đôi khi còn làm chậm hoặc thậm chí có khi ngừng lại quá trình tiêu thụ như: chính sách thuế, chính sách tiền tệ, chính sách giá cả…Do vậy, cần thiết phải bám sát các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước, để từ đó có những hướng đi hay, những đề xuất có hiệu quả giúp cho quá trình tiêu thụ phát triển lâu dài.
+ Môi trường công nghệ
Sự phát triển của khoa học công nghệ diễn ra trên thế giới đang là một thách thức lớn, đồng thời cũng là một cơ hội tốt để ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất trong sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, giá thành thấp, đây là những “vũ khí” để sử dụng trong cạnh tranh, nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, tính hai mặt này của công nghệ sẽ phản tác dụng nếu như doanh nghiệp không biết sử dụng nó một cách hợp lý gây ra tình trạng lãng phí, không sử dụng hết công suất của máy móc, thiết bị làm cho giá thành cao, sản phẩm sản  xuất ra khó tiêu thụ.
+ Môi trường cạnh tranh
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường vấn đề cạnh tranh được xác định là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế với nguyên tắc: Ai hoàn thiện hơn, thỏa mãn nhu cầu tốt hơn và hiệu quả hơn, người đó sẽ thắng, sẽ tồn tại và phát triển. Do đó, mỗi doanh nghiệp cần phải xác định được vị trí để tranh đua, khẳng định mình nhằm nâng cao vai trò của mình trên thương trường. Uy tín của doanh nghiệp càng cao thì khả năng tiêu thụ sản phẩm cảng lớn. Ngược lại, doanh nghiệp nào không có khả năng cạnh tranh bằng sản phẩm của mình, không tạo được lợi thế trên thị trường thì khả năng tiêu thụ sản phẩm sẽ kém đi để nhường chỗ cho các sản phẩm có uy tín hơn, khả năng cạnh tranh cao hơn.
+ Nhu cầu thị trường
Thị trường vừa là nơi diễn ra các hoạt động tiêu thụ sản phẩm (mua và bán sản phẩm) vừa là nơi cung cấp các thông tin kinh tế kịp thời, chính xác và đầy đủ nhất cho doanh nghiệp về tình hình tiêu thụ sản phẩm, đối thủ cạnh tranh.Thị trường tồn tại một cách khách quan không một doanh nghiệp nào có thể tác động vào làm thay đổi được. Thị trường sẽ quy định doanh nghiệp sẽ sản xuất cái gì? Sản xuất cho ai? Và sản xuất như thế nào? Doanh nghiệp nào nắm bắt được thị trường một cách đầy đủ, chính xác để có những sản phẩm đáp ứng kịp thời thì khả năng tiêu thụ sản phẩm sẽ cao. Ngược lại, doanh nghiệp nào không có đủ thông tin của thị trường, việc nắm bắt nhu cầu thị trường thiếu chính xác và chậm trễ thì sản phẩm sản xuất ra sẽ rất khó tiêu thụ vì có thể đó là sản phẩm bị lỗi thời, không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần phải biết phân biệt được thị trường nào là thị trường chủ yếu, thị trường nào là thị trường thứ yếu để có một chiến lược tiêu thụ sản phẩm hiệu quả nhất.
1.2. Nhóm nhân tố thuộc về doanh nghiệp.
Đây là các nhân tố chủ quan mà bản thân doanh nghiệp có thể làm chủ được tình hình, có thể kiểm soát được theo ý muốn của mình sao cho hợp lý và hiệu quả nhất.
+ Đặc điểm sản xuất kinh doanh của từng ngành nghề
Mỗi ngành nghề có đặc điểm sản xuất kinh doanh khác nhau nên việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp trong ngành nghề đó cũng khác nhau, tùy theo từng ngành nghề mà có những đặc trưng riêng biệt về tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ:Trong ngành nông nghiệp do đặc điểm sản xuất kinh doanh mang tính thời vụ nên việc tiêu thụ sản phẩm cũng mang tính thời vụ, đưa đến doanh thu tiêu thụ sản phẩm trong năm cũng thường tập trung vào vụ thu hoạch.
Trong ngành dịch vụ công cộng, doanh thu tiêu thụ phụ thuộc vào từng thời điểm và tính chất phục vụ (như các tour du lịch phát triển mạnh vào mùa hè vì thế dịch vụ vận chuyển du lịch cũng tăng theo).
 Ngành công nghiệp do tính chất sản phẩm đa dạng, công nghệ hiện đại, việc sản xuất ít phụ thuộc vào thiên nhiên và thời vụ nên diễn ra quanh năm vì vậy sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ nhanh hơn, do đó tiền thu bán hàng cũng nhanh và thường xuyên hơn.
+ Khối lượng sản phẩm sản xuất, tiêu thụ
Khối lượng sản phẩm sản xuất ra có ảnh hưởng trực tiếp đến khối lượng sản phẩm tiêu thụ và từ đó ảnh hưởng tới doanh thu tiêu thụ. Khối lượng sản phẩm tiêu thụ là khối lượng hàng hóa đem bán trên thị trường. Khi sản phẩm tiêu thụ càng nhiều thì khả năng về doanh thu sẽ càng lớn. Nhưng điều cần lưu  ý là doanh nghiệp cần phải nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng tình hình nhu cầu thị trường. Vì nếu số lượng hàng hóa đem ra tiêu thụ quá lớn, vượt quá nhu cầu thị trường sẽ gây nên tình trạng bão hòa, làm cho giá cả hàng hóa giảm, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp. Còn nếu khối lượng sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ nhỏ hơn so với nhu cầu thị trường (trong khi chưa tận dụng hết khả năng sản xuất của doanh nghiệp) sẽ tạo nên cơn sốt hàng hóa, giá cả tăng nhưng số lượng tiêu thụ giảm, làm cho doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm theo. Mặt khác, một bộ phận khách hàng không được đáp ứng nhu cầu sẽ tìm đến các sản phẩm cùng loại của các doanh nghiệp khác trên thị trường. Do đó, công ty sẽ mất đi một bộ phận khách hàng và thị phần của doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp. Vì vậy, trong công tác tiêu thụ sản phẩm các nhà quản lý doanh nghiệp cần phải đánh giá chính xác nhu cầu của thị trường và năng lực sản xuất của doanh nghiệp mình để chuẩn bị khối lượng sản phẩm đưa ra tiêu thụ một cách hợp lý và hiệu quả nhất.
+ Chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tiêu thụ
Người Đức có câu: “Chất lượng là sự quay trở lại của khách hàng”. Ngày nay, trong các doanh nghiệp sản xuất, việc sản xuất luôn được gắn liền với việc đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm ảnh hưởng hai lần tới doanh thu tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể: Chất lượng ảnh hưởng tới giá cả sản phẩm do đó ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu( sản phẩm có phẩm cấp cao giá bán sẽ cao hơn) vì vậy, chất lượng là giá trị được tạo thêm. Mặt khác, chất lượng sản phẩm là một vũ khí cạnh tranh sắc bén, dễ dàng đè bẹp mọi đối thủ, nhờ đó khối lượng sản phẩm tiêu thụ được sẽ tăng lên.
Chất lượng sản phẩm không phải hoàn toàn do người sản xuất quyết định mà còn do người tiêu dùng kiểm nghiệm. Đó là hệ thống đặc tính nội tại của sản phẩm đã được xác định bằng những thông số có thể đo hoặc so sánh phù hợp với điều kiện hiện tại và thỏa mãn nhu cầu xã hội. Chất lượng sản phẩm hàng hóa không nhất thiết được thực hiện bằng trang thiết bị máy móc nên khi xem xét vấn đề này ta cần phải lưu ý tới mối quan hệ với những đặc tính khác trong cùng một hệ thống sản xuất ra sản phẩm, nó được hình thành từ khi thiết kế, quá trình chế tạo, được khẳng định qua kiểm tra kỹ thuật và đem ra sử dụng.
Tóm lại, chất lượng sản phẩm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc tạo uy tín của doanh nghiệp với khách hàng. nó là sợi dây vô hình kết nối doanh nghiệp với khách hàng tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm được dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi.
+ Giá cả sản phẩm.
Nếu ta cố định các nhân tố khác lại thì giá bán sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu. Trong cơ chế thị trường hiện nay, giá cả được hình thành tự phát trên thị trường theo sự thỏa thuận giữa người mua và người bán. Do đó, doanh nghiệp có thể sử dụng giá cả như một công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Hiện nay, giá cả các sản phẩm sản xuất ra ngoài một số loại có tính chất chiến lược do Nhà nước bảo hộ và định giá (như điện, nước, xăng, dầu…)  còn lại đại bộ phận giá cả các sản phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào việc thỏa thuận ký kết hợp đồng với người đặt hàng, tùy thuộc vào cơ chế thị trường và quan hệ cung cầu trên thị trường. Do đó, doanh nghiệp phải tự tính toán để cân nhắc và định giá sao cho giá bán bù đắp được chi phí đã bỏ ra và đồng thời có được lợi nhuận để thực hiện tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng. Tùy thuộc vào thị trường mà doanh nghiệp sẽ rơi vào một trong ba trạng thái sau: lãi, lỗ hay hòa vốn. Điều đó phản ánh rất thực chất cơ chế giá trong cạnh tranh, hoàn toàn khác cơ chế giá áp đặt hành chính.
+ Kết cấu sản phẩm.
Kết cấu sản phẩm tiêu thụ là tỷ trọng theo doanh thu của từng mặt hàng so với tổng doanh thu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp vì mỗi mặt hàng có một công dụng kinh tế nhất định hay việc thỏa mãn của nó cho một nhu cầu tiêu dùng là khác nhau. Để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp luôn tìm cách thay đổi các mặt hàng sản xuất với nhiều loại sản phẩm đa dạng và phong phú hơn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đaị bộ phận khách hàng một cách tốt nhất. Nhưng không phải mặt hàng nào đưa ra cũng có nhu cầu như nhau, có mặt hàng được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng cũng có mặt hàng lại không được người tiêu dùng lựa chọn hoặc ít có nhu cầu. Chính vì vậy, kết cấu sản phẩm có ảnh hưởng lớn đến quá trình tiêu thụ, nếu kết cấu sản phẩm đưa ra thị trường một cách hợp lý sẽ đẩy nhanh quá trình tiêu thụ sản phẩm, ngược lại sẽ không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng dẫn đến hàng hóa bị ứ đọng, thậm chí còn phải giảm giá bán gây tình trạng xấu cho doanh nghiệp. Để tránh được tình hình này yêu cầu doanh nghiệp luôn phải nghiên cứu để đưa ra những kết cấu sản phẩm mới ưu việt hơn kết cấu sản phẩm cũ , nhằm đáp ứng được nhu cầu thị trường tốt nhất.
+ Công tác tổ chức bán hàng của doanh nghiệp.
Đây là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến công tác tiêu thụ sản phẩm và doanh thu của doanh nghiệp, công tác tổ chức bán hàng bao gồm các nội dung sau:
Hình thức bán hàng: Để mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, các doanh nghiệp cần tổ chức mạng lưới phân phối sản phẩm phù hợp. Do đó, một doanh nghiệp nếu áp dụng tổng hợp các hình thức bán buôn, bán lẻ, bán hàng tại kho, tại cửa hàng, bán trả góp… tất nhiên sẽ tiêu thụ được nhiều sản phẩm hơn so với doanh nghiệp chỉ áp dụng đơn thuần một hình thức bán hàng nhất định nào đó. Các doanh nghiệp cũng nên linh hoạt trong các hình thức bán hàng nhằm tạo mọi thuận lợi cho người mua hàng để thúc đẩy quá trình tiêu thụ nhanh hơn.
Công tác tổ chức thanh toán: Việc áp dụng nhiều hình thức thanh toán như: thanh toán hàng đổi hàng, thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán bằng chuyển khoản, thanh toán ngay, trả chậm, bán chịu… sẽ làm cho khách hàng cảm thấy thoải mái, tự do, có cơ hội lựa chọn phương thức thanh toán thuận lợi nhất, do đó có thể thu hút được nhiều khách hàng đến với doanh nghiệp làm cho quá trình tiêu thụ diễn ra nhanh, gọn.
Ngược lại, nếu chỉ áp dụng một hoặc một số hình thức thanh toán bắt buộc nào đó có thể thích hợp với khách hàng này nhưng lại không phù hợp với khách hàng khác, từ đó sẽ hạn chế số lượng sản phẩm tiêu thụ, ảnh hưởng đến doanh thu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
Các dịch vụ kèm theo khi tiêu thụ: Doanh nghiệp muốn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, tăng sức mạnh cạnh tranh trong công tác tiêu thụ sản phẩm, thường họ có tổ chức dịch vụ kèm theo như vận chuyển, bảo hành, hướng dẫn cách sử dụng, giới thiệu kèm theo… để tạo ra tâm lý thoải mái, yên tâm cho khách hàng khi mua sản phẩm, đồng thời cũng khuyến khích khách hàng tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn.
+ Quảng cáo, giới thiệu sản phẩm.
Quảng cáo là công cụ Marketting và là phương tiện thúc đẩy bán rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp.
Mục đích của quảng cáo là phải đưa ra những thông tin đến người tiêu dùng về một mặt hàng nào dó, giải thích được lợi ích của mặt hàng này và so sánh ưu thế của nó với mặt hàng tương tự.
Đối với những sản phẩm mới, quảng cáo sẽ giúp cho khách hàng làm quen với sản phẩm, thấy được tính ưu việt của nó, từ đó khơi dậy nhu cầu mới để khách hàng tìm đến với doanh nghiệp.Do vậy, quảng cáo cũng góp phần không nhỏ trong quá trình thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Trong điều kiện nền kinh tế thị trường đang diễn ra sôi động như hiện nay vừa là điều kiện thuận lợi, vừa tạo ra bao khó khăn, thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tự tạo cho mình lợi thế kinh doanh để tồn tại thì vấn đề tiêu thụ sản phẩm ngày càng thể hiện vai trò mang tính quyết định đối với sự  tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Để có doanh thu tiêu thụ, doanh nghiệp phải trải qua một quá trình rất dài và rất nhiều nhân tố ảnh hưởng, mức độ tác động đó nhiều hay ít tùy thuộc vào những điều kiện khác nhau trong tương lai. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp phải có một cách nhìn tổng thể đối với tất cả những nhân tố này và nắm rõ được sự biến động của từng nhân tố để từ đó có những kế hoạch, quyết định đúng đắn, chính xác trong việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và tăng doanh thu.
2. Vai trò của TCDN trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu tiêu thụ.
Xét về mặt tài chính, tiêu thụ sản phẩm ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của doanh nghiệp. Nhưng ngược lại, tài chính doanh nghiệp cũng tác động không nhỏ tới tiêu thụ sản phẩm. Giữa chúng có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau hết sức chặt chẽ, thường xuyên và liên tục.
Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các quan hệ hàng hóa, tiền tệ bị thu hẹp, hạn chế và được thay thế bằng hiện vật. Tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp là một chỉ tiêu đã được định sẵn. Hạn chế này đã làm cho quan hệ tích cực giữa tài chính doanh nghiệp và công tác tiêu thụ bị lu mờ. Tài chính doanh nghiệp trên thực tế chỉ được sử dụng một cách thụ động như một công cụ để phân phối lại kết quả đạt được trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo những chỉ tiêu hiện vật do Nhà nước quy định.
Tài chính doanh nghiệp xét về bản chất là các mối quan hệ phân phối dưới hình thức giá trị gắn liền với việc tạo lập hoặc sử dụng các quỹ tiền tệ của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Xét về hình thức tài chính doanh nghiệp phản ánh sự vận động và chuyển hóa của các nguồn tài chính trong quá trình phân phối để tạo lập hoặc sử dụng quỹ tiền tệ của doanh nghiệp.
Tài chính doanh nghiệp tham gia vào việc xác định chiến lược phát triển, chiến lược sản xuất, lập ra kế hoạch sản xuất kinh doanh, trong đó có kế hoạch doanh thu tiêu thụ sản phẩm. Kế hoạch này khoa học, chính xác bao nhiêu thì tiêu thụ sản phẩm nhanh chóng, thuận lợi bấy nhiêu. Ngược lại, kế hoạch doanh thu tiêu thụ có tính khoa học thấp, tính sát thực chưa cao sẽ dẫn đến sản phẩm sản xuất ra không đáp ứng được nhu cầu thị trường, tiêu thụ sản phẩm sẽ gặp nhiều khó khăn, hàng hóa tồn đọng hoặc sản xuất không đủ hàng hóa cung cấp cho thị trường sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
Tài chính doanh nghiệp có chức năng huy động, phân phối các nguồn lực tài chính, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh kịp thời, thúc đẩy sản xuất phát triển. Khi sản xuất đi đúng hướng của TCDN thì tự nó sẽ tạo ra một lượng sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã phong phú, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng và các đơn vị đặt hàng, từ đó sẽ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nhanh hơn.
Bằng công cụ tài chính như kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất kinh doanh sẽ làm cho hiệu quả của việc sử dụng vốn tiết kiệm và đi đúng mục đích, từ đó góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt TCDN còn sử dụng các công cụ tài chính sắc bén của mình như tiền lương, tiền thưởng, chiết khấu… để kích thích sản xuất, thu hút khách hàng, đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm.
Tài chính doanh nghiệp có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác tiêu thụ của doanh nghiệp, vài trò của nó ngày càng được khẳng định rõ rệt trong nền kinh tế thị trường hiện nay.
3.Một số  biện pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tăng doanh thu của doanh nghiệp
Tùy thuộc vào tình hình thực tế của mình mà doanh nghiệp  có thể lựa chọn các biện pháp khác nhau hoặc sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp để quá trình tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả cao nhất.
Làm tốt công tác này còn phụ thuộc vào tài năng, trình độ chuyên môn của các nhà quản trị tài chính trong doanh nghiệp. Sau đây là một số giải pháp mà các nhà tài chính thường sử dụng trong công tác tiêu thụ sản phẩm.
3.1. Tăng cường đầu tư cho công tác khảo sát, điều tra,nghiên cứu thị trường.
Để sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ nhanh, đòi hỏi doanh nghiệp phải có công tác khảo sát, điều tra, nghiên cứu thị trường một cách nhanh nhạy, chính xác, phù hợp với thực tế. Do đó, tài chính của doanh nghiệp phải hỗ trợ bộ phận Marketing tiếp thị thực hiện việc nghiên cứu tìm hiểu thị trường phục vụ việc tiêu thụ sản phẩm.
Các doanh nghiệp trước khi tiến hành sản xuất, muốn tiêu thụ sản phẩm một cách nhanh chóng, có doanh thu kịp thời, phải tiến hành nghiên cứu, khảo sát, điều tra tình hình thị trường hiện tại và trong tương lai để từ đó lập kế hoạch dự kiến sự phát triển, tiềm năng của thị trường, đưa ra các biện pháp nhằm mở rộng hay thu hẹp mặt hàng sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó cũng giúp doanh nghiệp có những biện pháp thích hợp duy trì thị trường cũ, đồng thời kích thích nhu cầu để tạo lập, xúc tiến và mở rộng thị trường mới.
3.2. Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Phương châm sản xuất của doanh nghiệp  là phải hướng ra thị trường và do thị trường quyết định. Chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định đầu tiên trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chất lượng sản phẩm có tốt thì doanh nghiệp mới tạo được uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.
Chất lượng sản phẩm hàng hóa được nâng cao sẽ ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm, làm tăng khối lượng sản phẩm tiêu thụ, tác động lớn đến doanh thu. Ngược lại, nếu chất lượng sản phẩm kém sẽ khó giữ được uy tín của doanh nghiệp, đồng thời còn làm giảm khả năng tiêu thụ, ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, TCDN cần phát huy vai trò của mình vào việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn nguyên vật liệu, huy động vốn để tập trung mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Yếu tố lao động cũng phải được lưu tâm vì đây là nhân tố tác động trực tiếp đến việc  điều khiển máy móc thiết bị, sử dụng nguyên vật liệu, đồng thời doanh nghiệp  cần quan tâm đầu tư vào công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi nhập kho, bảo quản đóng gói để sản phẩm không bị mất giá trị.
3.3. Xây dựng chính sách giá cả phù hợp.
Xây dựng chính sách giá cả sản phẩm linh hoạt, hợp lý có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Nó góp phần thúc đẩy tiêu thụ, thu hút khách hàng, mở rộng thị trường, tăng uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Khi một sản phẩm mới tung ra thị trường, thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng là lúc doanh nghiệp định ra giá bán cao để tăng doanh thu. Lúc này giá cao hơn một chút cũng không cản trở khách hàng đến với sản phẩm của doanh nghiệp. Nhưng một khi sản phẩm đã bước vào giai đoạn bão hòa, doanh nghiệp phải hạ giá xuống mức trung bình, đến khi sản phẩm lỗi thời thì doanh nghiệp có thể bán với giá thấp hơn để đẩy mạnh tiêu thụ, thu hồi vốn nhanh. Chính sách giá của doanh nghiệp phải luôn linh hoạt phù hợp theo tình hình thị trường thì  mới gây được sự bất ngờ cho khách hàng và đẩy mạnh được quá trình tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, cũng phải đồng thời  áp dụng các phương thức thanh toán một cách đa dạng, phong phú, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng nhằm tạo tâm lý thoải mái đối với người mua.
3.4. Chú trọng đầu tư thực hiện đa dạng hóa, không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm:
Trong cơ chế thị trường hiện nay việc đa dạng hóa chủng loại sản phẩm và cải tiến mẫu mà là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng, khuyến khích tiêu thụ.
Trước đây, mẫu mã sản phẩm thường được coi là yếu tố thứ yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sản xuất chỉ chú ý đầu tư cho chất lượng sản phẩm và tập chung sản xuất cho các sản phẩm truyền thống của doanh nghiệp mà coi nhẹ mẫu mã và chủng loại sản phẩm nên công tác tiêu thụ sản phẩm gặp những trở ngại khó khăn nhất định và đặc biệt là không thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập ngoại.
Thực hiện đa dạng hóa, cải tiến mẫu mã sản phẩm có ý nghĩa sống còn đối với các doanh nghiệp, quyết định tới sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp nói chung. Sự cạnh tranh gay gắt và năng động trong hầu hết các thị trường, sự thay đổi nhanh chóng thị hiếu của người tiêu dùng và sự phát triển của khoa học kỹ thuật là nhưng lý do chính dể doanh nghiệp phải phát triển sản phẩm mới và không ngừng cải tiến những sản phẩm hiện có của mình. Mặt khác thực hiện đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm và cải tiến mẫu mã sẽ giúp cho doanh nghiệp tăng khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường và giảm bớt rủi ro trong kinh doanh.  
 
Array
(
    [type] => 8192
    [message] => preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead
    [file] => /home/pwhqfmvb/GiangVien/includes/countries.php
    [line] => 435
)