Phần một.
SỰ CẦN THIẾT PHẢI NÂNG CAO SẢN LƯỢNG TIÊU THỤ XI MĂNG CỦA CÔNG TY VẬT TƯ KỸ THUẬT XI MĂNG
I. THỊ TRƯỜNG VÀ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN THỊ TRƯỜNG HÀNG HOÁ KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP.
1. Thị trường:
1.1. Khái niệm về thị trường.
Thị trường xuất hiện đồng thời với sự ra đời và phát triển của nền sản xuất hàng hoá vừa được hình thành trong lĩnh vực lưu thông. Người có hàng hoá hoặc dịch vụ đem ra trao đổi được gọi là bên bán, người có nhu cầu chưa thoả mãn và có khả năng thanh toán gọi là bên mua.
Trong quá trình trao đổi đã hình thành những mối quan hệ nhất định, đó là quan hệ giữa người bán và người mua.
Từ đó thấy sự hình thành của thị trường đòi hỏi phải có:
- Đối tượng trao đổi: sản phẩm hàng hoá hay dịch vụ.
- Đối tượng tham gia trao đổi: Bên bán và bên mua.
- Điều kiện thực hiện trao đổi: Khả năng thanh toán.
Theo nội dung trên, điều quan tâm nhất của doanh nghiệp là tìm ra nơi trao đổi, tìm ra nhu cầu và khả năng thanh toán những sản phẩm, dịch vụ mà nhà sản xuất dự định cung cấp , còn đối với người tiêu dùng, họ lại quan tâm đến việc so sánh những sản phẩm dịch vụ mà nhà sản xuất cung ứng thoả mãn, đúng yêu cầu và thích hợp với khả năng thanh toán của mình đến đâu:
Từ những nội dung trên ta có thể định nghĩa một cách tổng quát thị trường như sau:
- Thị trường là biểu hiện của quá trình mà trong đó thể hiện cái quyết định của người tiêu dùng về hàng hoá và dịch vụ cũng như quyết định của các doanh nghiệp về số lượng chất lượng mẫu mã của hàng hoá. Đó là những mối quan hệ giữa tổng số cung và tổng số cầu với cơ cấu của từng loại hàng hoá cụ thể.
- Thị trường là nơi người mua với người bán tự mình đến với nhau qua trao đổi tham dò tiếp xúc để nhận lấy lời giải đáp mà mỗi bên cần thiết.
- Các doanh nghiệp thông qua thị trường mà tìm cách giải quyết các vấn đề:
- Phải sản xuất hàng hoá, dịch vụ là gì? cho ai?
- Số lượng bao nhiêu?
- Mẫu mã, kiểu cách chất lượng như thế nào?
Còn người tiêu dùng thì biết được.
- Ai sẽ đáp ứng nhu cầu của mình.
- Nhu cầu được thoả mãn đến mức nào?
- Khả năng thanh toán ra sao?
Tất cả những câu hỏi trên chỉ có thể được trả lời chính xác trên thị trường. Trong công tác quản lý kinh tế, xây dựng kế hoạch mà không dựa vào thị trường để tính toán kiểm chứng số cung, cầu thì kế hoạch sẽ không có cơ sở khoa học và mất phương hướng, mất cân đối. Ngược lại, việc tổ chức mở rộng mà thoát ly sự điều tiết của công cụ kế hoạch hoá thì tất yếu sẽ dẫn đến sự rối loạn trong kinh doanh.
1.2. Vai trò chức năng của thị trường:
Sở dĩ thị trường có vai trò to lớn nói trên là do các chức năng sau:
- Chức năng thừa nhận.
Thị trường là nơi gặp gỡ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng trong quá trình trao đổi hàng hoá. Nhà doanh nghiệp đưa hàng hoá của mình ra thị trường với mong muốn chủ quan là bán được nhiều hàng hoá với giá cả sao cho bù đắp được chi phí và có lợi nhuận. Người tiêu dùng tìm đến thị trường để mua những hàng hoá đúng công dụng, hợp thị hiếu và có khả năng thanh toán theo mong muốn của mình. Quá trình diễn ra sự trao đổi, thị trường chấp nhận, tức là đôi bên đã thuận mua, vừa bán là quá trình tái sản xuất được giải quyết và ngược lại
- Chức năng thực hiện.
Chức năng thực hiện thể hiện ở chỗ thị trường là nơi diễn ra các hành vi mua bán. Người ta thường cho rằng thực hiện về giá trị là quan trọng nhất. Nhưng thực hiện về giá trị chỉ xảy ra khi giá trị sử dụng được thực hiện. Ví dụ: Hàng hoá dù sản xuất với chi phí thấp mà không hợp mục tiêu tiêu dùng thì vẫn không bán được.
Thông qua chức năng thực hiện của thị trường, các hàng hoá hình thành nên các giá trị trao đổi của mình, làm cơ sở cho việc phân phối các nguồn lực.
- Chức năng điều tiết.
Ta biết rằng số cung được tạo ra từ nhà sản xuất và số cầu được hình thành từ người tiêu dùng, giữa hai bên hoàn toàn không có quan hệ với nhau và quan hệ ấy chỉ thể hiện khi diễn ra quá trình trao đổi, quan hệ số cung và số cầu nhằm bảo đảm quá trình tái sản xuất được trôi chảy, được thực hiện thông qua sự định giá trên thị trường giữa đôi bên. Trong quá trình định giá, chức năng điều tiết của thị trường được thể hiện thông qua sự phân bổ lực lượng sản xuất từ ngành này sang ngành khác, từ khu vực này sang khu vực khác đối với mỗi người sản xuất, đồng thời hướng dẫn tiêu dùng và xây dựng cơ cấu tiêu dùng đối với người tiêu dùng.
- Chức năng thông tin.
Chức năng thông tin thể hiện ở chỗ nó chỉ ra cho người sản xuất biết nên sản xuất hàng hoá nào, khối lượng là bao nhiêu, nên tung ra thị trường ở thời điểm nào; nó chỉ cho người tiêu dùng biết nên mua một hàng hoá hay mua một hàng hoá thay thế nào đó hợp với khả năng thu nhập của họ.
Chức năng này hình thành là do trên thị trường có chứa đựng các thông tin về tổng số cung, tổng số cầu, quan hệ cung, cầu của từng loại hàng hoá, chi phí sản xuất, giá trị thị trường, chất lượng sản phẩm, các điều kiện tìm kiếm và tập hợp các yếu tố sản xuất và phân phối sản phẩm. Đấy là những thông tin cần thiết để người sản xuất và người tiêu dùng ra quyết định phù hợp với lợi ích của mình.
Tóm lại, các chức năng nói trên của thị trường có mối quan hệ gắn bó mật thiết. Sự cách biệt các chức năng đó chỉ là những ước lệ, mang tính chất nghiên cứu. Trong thực tế, một hiện tượng kinh tế diễn ra trên thị trường thể hiện đầy đủ và đan xen lẫn nhau giữa các chức năng trên.
1.3. Các quy luật của thị trường và cơ chế thị trường.
1.3.1. Các quy luật của thị trường.
Trên thị trường có nhiều quy luật kinh tế hoạt động đan xen nhau và có quan hệ mật thiết với nhau. Dưới đây là một số quy luật quan trọng.
- Quy luật giá trị: Quy luật này quy định hàng hoá phải được sản xuất và trao đổi trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết, tức là chi phí bình quân trong xã hội.
- Quy luật cung cầu: Nêu lên mối quan hệ giữa nhu cầu và khả năng cung ứng trên thị trường. Quy luật này quy định cung và cầu luôn có xu thế chuyển động xích lại với nhau để tạo ra sự cân bằng trên thị trường.
- Quy luật giá trị thặng dư: Yêu cầu hàng hoá bán ra phải bù đắp được chi phí sản xuất và lưu thông đồng thời phải có một khoản lợi nhuận để tái sản xuất sức lao động và tái sản xuất mở rộng.
- Quy luật cạnh tranh: Quy định hàng hoá sản xuất ra phải ngày càng có chi phí thấp hơn, chất lượng ngày càng tốt hơn, để thu được lợi nhuận cao hơn và có khả năng cạnh tranh với các hàng hoá khác.
Trong các quy luật trên, quy luật giá trị là quy luật cơ bản của sản xuất hàng hoá. Quy luật giá trị được biểu hiện quá giá cả thị trường. Quy luật giá trị muốn biểu hiện yêu cầu của mình bằng giá cả thị trường phải thông qua sự vận động của quy luật cung - cầu. Ngược lại, quy luật này biểu hiện yêu cầu của mình thông qua sự vận động của quy luật giá trị là giá cả.
1.3.2. Cơ chế thị trường.
Khi xuất hiện sản xuất và trao đổi hàng hoá thì phải có thị trường. Nền kinh tế mà trong đó có sản xuất và trao đổi hàng hoá diễn ra một cách tự nhiên gọi là nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, mọi hoạt động sản xuất và trao đổi hàng hoá giữa người sản xuất và người tiêu dùng được vận hành theo một cơ chế do sự điều tiết của quan hệ cung cầu quy định. Cơ chế ấy được gọi là cơ chế thị trường.
Thực chất cơ chế thị trường là một hình thức tổ chức kinh tế, trong đó các quy luật kinh tế tác động lên mọi hoạt động của nhà sản xuất và người tiêu dùng trong quá trình trao đổi.
1.4. Phân loại thị trường và phân khúc thị trường.
1.4.1. Phân loại thị trường.
Các doanh nghiệp muốn thành công trong kinh doanh cần phải hiểu cặn kẽ về thị trường. Để hiểu rõ các loại thị trường và phục vụ tốt cho công tác tiếp thị cần phải phân loại chúng. Có nhiều cách phân loại thị trường:
- Căn cứ vào mức độ xã hội hoá của thị trường.
Dựa vào căn cứ này người ta chia thị trường ra thành: Thị trươnàg địa phương, thị trường toàn quốc, thị trường quốc tế. Do quá trình quốc tế hoá hiện nay, thị trường quốc tế có ảnh hưởng nhanh chóng và mức độ ngày càng nhiều đến thị trường trong nước.
- Căn cứ vào mặt hàng mua bán.
Có thể chia thị trường thành nhiều loại khác nhau: Thị trường kim loại, thị trường nông sản, thực phẩm, thị trường cà phê, ca cao… Do tính chất và giá trị sử dụng của từng mặt hàng, nhóm khách hàng khác nhau, các thị trường chịu sự tác động của các nhân tố ảnh hưởng với mức độ khác nhau. Sự khác nhau này đôi khi chi phối cả phương thức mua bán, vận chuyển thanh toán.
Ngoài ra, còn dựa vào nhiều căn cứ khác, như căn cứ dựa vào phương thức hình thành giá cả thị trường, khả năng tiêu thụ hàng hoá, tỷ trọng hàng hoá.
1.4.2. Phân khúc thị trường.
Có nhiều phương pháp phân khúc thị trường, tuỳ từng loại sản phẩm và dịch vụ khác nhau mà phương thức phân khúc sẽ khác nhau. Có thể phân khúc thị trường theo khu vực, theo đơn vị hành chính, theo kinh tế xã hội và nhân khẩu học, theo đặc điểm tâm sinh lý, theo lợi ích…
Chúng tôi trên mạng xã hội