Làm giàu nhờ bị hủy hôn

Choáng váng vì vợ sắp cưới đột ngột hủy hôn, song một anh chàng tại Mỹ vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra cơ hội kinh doanh trong lúc đi bán chiếc nhẫn mà nàng trả lại.
Làm giàu nhờ bị hủy hôn

Năm 2006, Joshuaua Opperman, khi đó là một nhân viên môi giới bất động sản tạ thành phố New York của Mỹ, sử dụng khoản tiết kiệm để mua tặng người vợ sắp cưới một chiếc nhẫn đính hôn trị giá hơn 10.000 USD. Ba tháng tiếp theo, sau một ngày làm việc mệt mỏi, anh trở về nhà và phát hiện người vợ tương lai cùng toàn bộ đồ đạc của cô đã biến mất. Nhưng người phụ nữ để chiếc nhẫn đính hôn trên bàn anh hay ngồi uống cà phê.

“Khi đó tôi cảm thấy choáng váng và thất vọng suốt một thời gian dài, bởi tình yêu của đời tôi đã ra đi mãi mãi”, anh nhớ lại.

Joshua quyết định bán lại chiếc nhẫn cho hiệu kim hoàn ở New York, nhưng anh ngạc nhiên khi thấy họ trả giá rất thấp.

“Hóa ra những hiệu kim hoàn đã tăng giá gấp hai tới ba lần so với giá ban đầu. Họ chỉ phải bỏ ra 3.500 USD để mua chiếc nhẫn, nhưng sau khi tạo ra vài họa tiết trên đó họ bán cho tôi với mức giá hơn 10.000 USD", anh giải thích.

Sự việc đó giúp Joshua - nay đã 32 tuổi - nảy ra một ý tưởng kinh doanh. Vào tháng 1/2007, anh và cô em gái Mara lập trang IdoNowIDont.com. Đây là nơi những người bị bỏ rơi trong tình yêu có thể bán nhẫn cưới hoặc nhẫn đính hôn. Người bán sẽ được trả mức giá cao hơn so với việc bán nhẫn cũ ở hiệu kim hoàn nếu họ rao bán trên trang web. Người mua cũng sẽ chỉ phải trả mức giá thấp hơn nhiều so với việc mua nhẫn mới ở hiệu kim hoàn.

Không chỉ có thế, mỗi chiếc nhẫn mà người mua đem về sẽ được tặng kèm một câu chuyện tình dang dở.

Mara, phó chủ tịch phụ trách tiếp thị và quan hệ công chúng của trang web, sử dụng cách khởi nghiệp kỳ lạ của người anh trai để thu hút sự chú ý của các tờ báo và đài truyền hình lớn. Câu chuyện tình buồn và ý tưởng kinh doanh của Joshua nhanh chóng xuất hiện trên nhiều chương trình ăn khách tại Mỹ.

Chỉ trong vòng vài tháng kể từ khi khởi nghiệp, Joshua và Mara kiếm được số tiền đủ lớn để họ có thể tự tin từ bỏ công việc làm thuê để dành toàn bộ thời gian cho trang web. Ngoài nhẫn, người ta còn rao bán vòng, khuyên tai, dây chuyền, đồng hồ và nhiều loại trang sức khác.

Tới mùa hè năm 2008, công việc kinh doanh có dấu hiệu chững lại. Tháng 10 năm đó, hai anh em nhà Opperman quyết định mời David Becker, một chuyên gia nổi tiếng về thương mại điện tử, làm giám đốc điều hành. Becker từng tham gia 4 công ty trên mạng từ khi chúng bắt đầu được thành lập và cổ phiếu của hai công ty trong số đó đã được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán.

“Chúng tôi nghĩ Becker sẽ đưa công việc kinh doanh lên một tầm cao mới”, Mara bày tỏ.

Becker đến với anh em nhà Opperman vào giai đoạn mà nền kinh tế Mỹ bắt đầu bước vào suy thoái. Nhưng số lượng giao dịch trên trang web lại tăng lên. Chỉ tính riêng trong tháng 10, số lượng giao dịch tăng gần ba lần so với tháng trước và doanh thu tăng 68%.

“Chúng tôi từng cho rằng công việc kinh doanh tụt dốc do khủng hoảng kinh tế. Nhưng thực tế không phải vậy. Trong mọi thời điểm người mua luôn muốn tìm những chiếc nhẫn đẹp nhất và rẻ nhất, còn người bán lại không muốn giữ nhẫn nữa. Thế là chúng tôi có sự hợp tác hoàn hảo giữa bên bán và bên mua”, Mara nhận xét.

Mara cũng nhận thấy có một sự thay đổi trong những câu chuyện mà người bán đưa lên trang web để giải thích cho quyết định bán nhẫn.

“Ngày càng có nhiều người nói họ bán nhẫn vì cần tiền để trang trải thứ gì đó trong cuộc sống, chứ không phải do tình yêu tan vỡ”, cô nói.

Chẳng hạn, mới đây một người đấu giá một nhẫn gắn kim cương và hồng ngọc với giá khởi điểm 1.200 USD. Anh ta viết: “Đây không phải là nhẫn cưới. Tôi mua nó với hy vọng một ngày nào đó chiếc nhẫn sẽ được trao cho con gái riêng của vợ tôi với người chồng trước. Giờ đây chúng tôi có một đứa con chung và cần mua một số đồ đạc cần thiết cho bé. Bán chiếc nhẫn là cách duy nhất để tôi có một khoản tiền vào lúc này”.

Trang IdoNowIDont.com hoạt động như sau: Người bán đăng ký thông tin vào mẫu dành cho họ trên trang web rồi đưa ra giá khởi điểm. Nếu không muốn bán theo kiểu đấu giá, người bán có thể chọn chức năng “Buy It Now” (mua ngay) để người mua nhận ra. Nếu một người mua giành phần thắng trong cuộc đấu giá, họ gửi tiền qua dịch vụ thanh toán trực tuyến của PayPal. Ban quản trị trang web sẽ giữ tiền cho đến khi một chuyên gia về đá quý xác nhận chiếc nhẫn là “đồ xịn”. Sau đó ban quản trị gửi hàng cho người mua và trao tiền cho người bán. Thông thường người mua và người bán có thể trao đổi với nhau qua email về việc giảm giá.

Người bán không mất phí khi đưa hàng lên trang web, còn người mua chỉ phải trả tiền mua hàng cộng với cước phí vận chuyển. Sau khi người mua đồng ý lấy hàng và gửi tiền, ban điều hành giữ lại 12% số tiền.

“Chúng tôi tập trung vào kim cương, bởi giá bán trung bình đối với chúng rất cao, từ 2.100 tới 2.300 USD. Người dân chẳng mấy khi mua nhẫn kim cương, nhưng một khi đã làm việc đó, họ muốn giao dịch ở một nơi có độ tin cậy cực cao. Mang đến cảm giác an toàn cho cả bên bán và bên mua là điều rất quan trọng. Với tư cách là trung gian, chúng tôi phải đảm bảo rằng cả hai bên đều hài lòng và thực hiện được những giao dịch hoàn hảo”, Becker nói.

Câu chuyện tình buồn của Joshua Opperman là thứ giúp cho công việc kinh doanh phát triển và những câu chuyện khác tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.

“Chúng tôi đưa chuyện của Joshua ra giữa trang nhất. Đó là một câu chuyện cá nhân nhưng cực kỳ phù hợp với hoạt động kinh doanh này. Khách hàng cũng phản hồi những câu chuyện khác trên trang web, như ly hôn và những sự cố khác. Đó là một cách hay để lôi kéo độc giả”, Becker nói.

Mới đây một chiếc nhẫn vàng gắn kim cương được đưa lên mục bán đấu giá với câu chuyện sau: “Tôi hẹn hò với người yêu từ thời phổ thông trung học suốt 4 năm rưỡi trước khi ngỏ lời cầu hôn và mua tặng nàng chiếc nhẫn mà nàng thích. 4 tháng sau khi đính hôn, nàng vứt chiếc nhẫn và lao vào vòng tay người đàn ông khác trong vòng hai tuần. Tôi không vứt chiếc nhẫn, nhưng cũng chẳng muốn đeo vào tay”.

Giá khởi điểm 4.000 USD được dành cho chiếc nhẫn 1,2 carat với câu chuyện sau: “Tôi tạo ra một khung cảnh tuyệt vời khi ngỏ lời cầu hôn bạn gái và cả hai không bao giờ quên khoảnh khắc đó. Nhưng ba tháng sau, trong lúc tôi chuẩn bị cho việc mua nhà và đám cưới thì nàng hủy hôn. Kể từ đó, chúng tôi không gặp gỡ hay nói chuyện trong gần hai năm. Chiếc nhẫn là thứ nhắc nhở tôi về quá khứ và tôi không thể chịu đựng nổi sự hiện diện của nó trong cuộc đời tôi nữa”.

“Những câu chuyện có vai trò quan trọng. Những thứ được rao bán kèm theo một câu chuyện thường được mua nhanh hơn. Khi bạn đặt một câu chuyện bên cạnh chiếc nhẫn, người mua sẽ chú ý tới nó hơn”, Mara nói.

Người mua có thể liên lạc với người bán qua trang web để lấy thêm thông tin về chiếc nhẫn hoặc câu chuyện. Mara cho biết, thỉnh thoảng người mua và người bán vẫn giữ quan hệ sau khi thương vụ hoàn tất. Thậm chí nhiều người bán nhẫn còn tham dự lễ cưới của người mua.

Becker dự đoán tổng trị giá giao dịch những chiếc nhẫn kim cương trong năm nay sẽ đạt 2,6 triệu USD. Còn trang CashforGold.com cho rằng tổng doanh thu của trang web trong năm 2009 lên tới 180 triệu USD.

“Mỗi năm nước Mỹ có 1,3 triệu vụ ly hôn. Trị giá của những chiếc nhẫn bị tháo khỏi tay các cặp vợ chồng tan vỡ vào khoảng 10,3 tỷ USD. Phần lớn họ sẽ cất nhẫn suốt nhiều năm. Đó là một tài sản lãng phí. Chúng tôi chẳng cần phải tìm kiếm thị trường ở nơi khác trong vòng 10 năm tới nếu có thể khiến cho người dân Mỹ mở tủ và đem nhẫn ra bán”, Becker nhận xét.

Còn về phần Joshua Opperman, anh chàng đã kết hôn vào tháng 8 năm ngoái.

“Đó mới là tình yêu đích thực của tôi”, anh khoe.

Tác giả bài viết: Phạm Quang Tùng

Nguồn tin: Sưu tầm từ internet

Array
(
    [type] => 8192
    [message] => preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead
    [file] => /home/pwhqfmvb/GiangVien/includes/countries.php
    [line] => 435
)