Giá trị bền vững của Đề cương văn hoá Việt Nam

Giá trị bền vững của Đề cương văn hoá Việt Nam
1. Ý nghĩa và giá trị lớn lao
65 năm trước, Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời. Bấy giờ chiến tranh thế giới thứ hai đang lan rộng, dân tộc Việt Nam một cổ hai tròng: Nhật, Pháp thi nhau vơ vét, bóc lột nhân dân ta và đàn áp, khủng bố phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Tình hình chính trị và tư tưởng trong xã hội rất phức tạp. Trí thức, văn nghệ sỹ, học sinh yêu nước chịu ảnh hưởng của Đảng, muốn đi theo cách mạng. Thực dân Pháp, Nhật dùng những thủ đoạn phát xít để trói buộc và bức tử nền văn hoá nước ta. Trong tình hình ấy, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng họp từ ngày 25 đến 28-2-1943, khi bàn biện pháp thúc đẩy nhanh hơn nữa cách mạng cả nước đi tới cao trào, đã quyết định: Đảng cần phải phái cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hoá, đặng gây ra một phong trào văn hoá tiến bộ, văn hoá cứu quốc chống lại văn hoá phát xít thụt lùi...

Đề cương văn hoá Việt Nam ra đời trong bối cảnh đó toả sáng như một ngọn đuốc soi đường, tập hợp những người hoạt động văn hoá yêu nước Việt Nam vào Hội văn hoá cứu quốc, một thành viên của Mặt trận Việt Minh. Đề cương văn hoá Việt Nam là bản cương lĩnh văn hoá đầu tiên của Đảng ta, đã nêu ra hai ức thuyết về tiền đồ văn hoá Việt Nam. Một là, "nền văn hoá phát xít (văn hoá trung cổ và nô dịch hoá) thắng thì văn hoá dân tộc Việt Nam nghèo nàn và thấp kém. Hai là, văn hoá dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hoá dân chủ thế giới "(1) . Đề cương khẳng định: "cách mạng dân tộc Việt Nam nhất quyết sẽ làm cho ức thuyết thứ hai trở nên thực sự ".

Hướng tới tiền đồ tưoi sáng của cách mạng Việt Nam, Đề cương vận dụng một cách sắc sảo và có hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để nhận định, phân tích tình hình văn hoá Việt Nam, chỉ rõ nguy cơ của nó dưới ách phát xít Nhật và thực dân Pháp, và căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam lúc bấy giờ cùng những hoạt động văn hoá của Đảng, của đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ trước đến đó mà chỉ ra "xu trào văn hoá mới của Việt Nam đang cố vượt hết mọi trở lực để nảy nở (văn nghệ bất hợp pháp)". Một thế giới quan khoa học, một phương pháp luận biện chứng duy vật quán xuyến Đề cương. Đề cương không chỉ nêu mục tiêu mà còn chú trọng cả việc tổ chức thực hiện cụ thể, chỉ ra biện pháp, nhiệm vụ bức thiết trước mắt của cuộc vận động văn hoá mới. Cho nên, không phải chờ đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mà ngay từ năm 1943, những nhà văn hoá và trí thức yêu nước Việt Nam đã tin chắc vào lời khẳng định của Đề cương, quyết tâm phấn đấu theo ba nguyên tắc "dân tộc hoá", "đại chúng hoá", "khoa học hoá" cho nền văn hoá Việt Nam. Đó chính là ý nghĩa và giá trị to lớn của Đề cương văn hoá Việt Nam.

2. Sức sống trường tồn, mãnh liệt

Ngày nay, 65 năm sau khi Đề cương văn hoá Việt Nam ra đời, văn hoá mới Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo đang phát triển thành nền văn hoá Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều này cũng đã được dự kiến trong Đề cương. Trong khi nhấn mạnh văn hoá mới Việt Nam, "nền văn hoá cách mạng nhất và tiến bộ nhất ở Đông Dương trong giai đoạn này " do Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương "chưa phải là văn hoá xã hội chủ nghĩa" mà là "văn hoá có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung". Đề cương nêu rõ: "nền văn hoá mà cuộc cách mạng văn hoá Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hoá xã hội chủ nghĩa". " Phải tiến lên thực hiện cách mạng xã hội ở Đông Dương, gây dựng một nền văn hoá xã hội ở khắp Đông Dương".

Sau Đề cương văn hoá Việt Nam là những thư và bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá, văn nghệ; là bản báo cáo nổi tiếng Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam; là những nghị quyết từ Đại hội lần thứ III đến Đại hội lần thứ X của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, Về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua mỗi thời kỳ cách mạng, theo yêu cầu của chỉ đạo thực tiễn, đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng ngày càng sáng tỏ, hoàn chỉnh. Lý luận văn hoá, văn nghệ Việt Nam ngày càng phong phú và sắc bén.

Có thể nói, đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng như một cái cây ngày càng vươn cao, xanh tươi, sum suê hoa trái, nhưng cái gốc đã có từ Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943. Cái gốc là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về văn hoá được vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam. Văn hoá là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hoá) ở đó người cộng sản phải hoạt động; phải hoàn thành cách mạng văn hoá mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội; văn hoá phải phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; cốt lõi tư tưởng của văn hoá là thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; phương pháp sáng tác văn nghệ phải là tả thực chủ nghĩa xã hội tức là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa; văn hoá Việt Nam phải do Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam lãnh đạo. Cái gốc nói cho cùng, là đường lối chính trị đúng đắn và nhất quán của Đảng. Sự đúng đắn và nhất quán đó chứa đựng nhân tố phát triển liên tục và bền vững.

Nghị quyết Trung ương năm, khoá VIII là một bước phát triển cao dựa trên nền móng Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943. Đảng ta khẳng định, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Chăm lo văn hoá là chăm lo cũng cố nền tảng tinh thần xã hội. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hoá, vì xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, con người phát triển toàn diện. Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Văn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng.

Kế tục Đề cương văn hóa Việt Nam và các chỉ thị, nghị quyết về văn hóa của Đảng qua các thời kỳ, Nghị quyết Đại hội lần thứ X đã chỉ ra những phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp có tính chiến lược, lâu dài để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, kế thừa và phát triển những thành quả văn hóa hàng nghìn năm của cha ông, trong cộng cuộc đổi mới, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với những thành tựu trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên lĩnh vực văn hóa. Tư tưởng, đạo đức và lối sống của các tầng lớp nhân dân có những chuyển biến quan trọng. Niềm tin vào tương lai của đất nước, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được củng cố và nâng lên. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được khôi phục, đề cao và phát huy. Tính năng động và tích cực của công dân có được môi trường thuận lợi để phát triển, sở trường và năng lực cá nhân được khuyến khích. Bầu không khí cởi mở, dân chủ trong xã hội ta đã trở thành nguồn cảm hứng và động lực thúc đẩy văn nghệ sỹ nước ta sáng tạo được nhiều công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị. Những việc làm thiết thực hướng về cội nguồn, về truyền thống cách mạng và kháng chiến, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, quý trọng các danh nhân văn hóa, đền ơn đáp nghĩa những người có công, giúp đỡ những người khó khăn, thực hiện xóa đói giảm nghèo... đã được các ngành, các cấp quan tâm và đang trở thành phong trào sâu rộng của quần chúng, thể hiện một cách sinh động truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Trên các lĩnh vực của đời sống văn học, nghệ thuật các hoạt động sáng tạo tiếp tục đạt được những thành tựu mới, đóng góp tích cực vào quá trình dân chủ hóa, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân ta. Giao lưu văn hóa với nước ngoài ngày càng mở rộng, tích cực góp phần thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước ta. Có thể nói, chưa bao giờ chúng ta có được những điều kiện thuận lợi triển khai các hoạt động giới thiệu; tiếp thu, học hỏi tinh hóa văn hóa nghệ thuật của đất nước ta với nhân dân thế giới; tiếp thu, học hỏi tinh hóa văn hóa nhân loại có quy mô sâu rộng như hiện nay.

Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước đã quan tâm xây dựng các văn bản pháp luật như Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Di sản văn hoá, Pháp lệnh Thư viện, Pháp lệnh Quảng cáo và nhiều Nghị định mới ra đời nhằm điều chỉnh và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hóa phù hợp với tình hình mới. Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý văn hóa và công tác quản lý nhà nước trên mặt trận văn hóa cũng được kiện toàn và củng cố. Các thiết chế văn hóa từ trung ương đến địa phương được tăng cường. Nhiều tỉnh, thành phố đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình văn hóa mới như thư viện, bảo tàng, tượng đài các anh hùng dân tộc. Đời sống văn hoá ở cơ sở có bước phát triển, thu hút đông đảo quần chúng lao động tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hoá. Nhiều mô hình hay, điển hình tốt như chương trình Làng vui chơi, làng ca hát, các lễ hội văn hoá truyền thống và cách mạng như Giỗ Tổ Hùng Vương, Tiếng hát làng Sen... được các tầng lớp nhân dân nô nức hưởng ứng. Chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa đã đi vào cuộc sống, thu được những kết quả thiết thực, tạo thêm nhiều nguồn lực cho phát triển văn hóa... Đời sống văn hoá tinh thần phát triển phong phú trong sự nghiệp đổi mới hôm nay đã chứng tỏ sự nhất quán, sức sống bền vững của một đường lối đúng đắn đã được vạch ra từ Đề cương văn hoá Việt Nam năm1943.

3. Định hướng và nhiệm vụ

Đất nước ta đang đứng trước những thời cơ và vận hội lớn, song những khó khăn, thử thách cũng đặt ra rất gay gắt. Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã nêu rõ mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển văn hóa từ nay đến năm 2010 là: Mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng xã hội. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều quan trọng là, phải làm cho văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị truyền thống mới của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá mới của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hoá đồi truỵ, độc hại. Nâng cao tính văn hoá trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Đây cũng chính là "nền văn hoá xã hội chủ nghĩa", "cách mạng nhất và tiến bộ nhất" mà Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943 đã chỉ ra.

Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa; coi phát triển sự nghiệp văn hóa là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân; coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người và cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Xây dựng và phát triển văn hóa chính là phát huy nguồn lực con người - nguồn nội lực lớn nhất và quyết định của đất nước để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa phải được thể hiện trong nội dung quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; trong việc bố trí ngân sách để giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa dân tộc và xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa mới; trong việc thực hiện chính sách bồi dưỡng, phát huy các tài năng văn hóa nghệ thuật, trong việc nâng cao mức hưởng thụ và năng lực sáng tạo của nhân dân.

Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa - nghệ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người hưởng thụ, tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa; ngăn chặn có hiệu quả những sản phẩm văn hóa - nghệ thuật độc hại, các tệ nạn xã hội xâm nhập vào đời sống xã hội. Nhanh chóng tăng cường nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động văn hóa. Đặc biệt coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực và các tài năng văn hóa nghệ thuật. Nâng mức đầu tư và kinh phí cho sự nghiệp văn hóa - thông tin phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành và đòi hỏi của nhân dân. Triển khai mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa trong linh vực văn hóa và phương châm Nhà nước, nhân dân cùng làm. Tích cực huy động các nguồn thu qua các hoạt động văn hóa, bao gồm thu qua thăm quan di tích, bảo tàng, đào tạo, biểu diễn nghệ thuật...; khuyến khích sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và nhân dân cho các hoạt động văn hóa.

Chúng ta cần đặc biệt quan tâm khuyến khích các văn nghệ sĩ lao động sáng tạo để nhanh chóng có được ngày càng nhiều tác phẩm, công trình có chất lượng cao, xứng tầm thời đại, phản ảnh và ca ngợi cuộc đấu tranh cách mạng anh hùng của dân tộc ta trong quá khứ và những thành tựu to lớn mà nhân dân ta giành được trong lao động, đổi mới xây dựng đất nước. Xét cho cùng, nhiệm vụ bao trùm của sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là chúng ta phải ra sức giữ gìn và phát huy những di sản văn hóa của quá khứ và tiếp tục sáng tạo, bồi đắp thêm cho truyền thống ấy bằng những giá trị văn hóa mới của thời đại chúng ta, làm cho văn hóa Việt Nam ngày càng thắm tươi, rạng rỡ.

Trong thời kỳ hội nhập, tăng cường hơn nữa giao lưu văn hóa với các nước, giới thiệu văn hóa Việt Nam với thế giới; tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học nghệ thuật mang đậm bản sắc, tâm hồn, cốt cách của người Việt Nam với các nước. Hợp tác với các nước đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật trên các lĩnh vực điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, hội họa... Đấu tranh bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, phản động, đồi trụy. Quan tâm tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được thu nhận thông tin và sản phẩm văn hóa từ trong nước, nêu cao lòng yêu nước và tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc, phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Trong quá trình mở rộng giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, cần đấu tranh chống lại khuynh hướng xa rời, thoát ly truyền thống, tiếp thu không chọn lọc các khuynh hướng, các loại hình nghệ thuật không phù hợp với truyền thống văn hóa và định hưỡng xã hội chủ nghĩa. Cảnh giác với những âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo làm mất ổn định chính trị xã hội nước ta.

Quán triệt quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; các cấp, các ngành, các đoàn thể đều phải quan tâm xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động và đáp ứng nhu cầu văn hóa cho ngành, lĩnh vực và địa phương; gắn phát triển kinh tế với văn hóa. Các đoàn thể quần chúng, các tổ chức sáng tạo văn hóa nghệ thuật, các Hội trong Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật có vai trò hết sức quan trọng trong việc vận động, tổ chức văn nghệ sĩ, giới thiệu trí thức tham gia vào quá trình sáng tạo, bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị để giáo dục và định hướng thị hiếu hưởng thụ văn hóa lành mạnh cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là cho lớp trẻ; làm cho mọi người có nhận thức đúng đắn về vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong việc bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người; khắc phục thái độ xem nhẹ vai trò văn hóa và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Các hoạt động tuyên truyền giáo dục phải gắn với quản lý xã hội, quản lý các họat động văn hóa bằng pháp luật, phát huy sức mạnh dư luận xã hội, gắn với các phong trào hành động của quần chúng, để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa - mục tiêu mà Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đã vạch ra.
 
--------------------------------------------------------------------------------
(1) Tất cả những câu trích để trong ngoặc kép đều dẫn từ Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943.

Tác giả bài viết: Phạm Quang Tùng

Nguồn tin: http://www.tapchicongsan.org.vn/

Array
(
    [type] => 8192
    [message] => preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead
    [file] => /home/pwhqfmvb/GiangVien/includes/countries.php
    [line] => 435
)