Tiếng lai hay hay dở?

Tiếng lai hay hay dở?
Một hiện tượng, dường như thành trào lưu, là ngày càng có nhiều người, nhất là lớp trẻ, khi nói và viết tiếng Việt thường chen tiếng nước ngoài, chủ yếu là tiếng Anh. Hồi nước ta còn thuộc Pháp, thói quen chen tiếng Pháp cũng khá phổ biến và được gọi là dùng tiếng lai.

Phải nhận rằng giữa ngôn ngữ nói và viết của các dân tộc, luôn có sự tiếp thu cái hay của nhau và biến thành của mình một cách thích hợp. Sự tiếp thu lẫn nhau giữa các ngôn ngữ không chỉ về từng chữ, từng từ mà cả về từng câu, từng cách nói, song điều quan trọng là phải tiếp thu đúng đắn, giữ vững sự trong sáng của ngôn ngữ nước mình và bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nếu không thì thành lai căng.
Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ nói về sự tiếp thu từ ngữ. Lưu ý rằng không chỉ có tiếng Việt mượn tiếng nước ngoài mà còn có sự tiếp thu theo chiều ngược lại. Ví dụ những từ Đổi mới, Áo dài, Phở... đã gia nhập vào từ vựng một số tiếng nước ngoài với cách phát âm không dấu.
Điều chúng ta quan tâm ở đây là việc sử dụng tiếng nước ngoài trong tiếng Việt (không kể những danh từ riêng). Với sự phát triển mau lẹ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là tin học và công nghệ thông tin, nhiều thuật ngữ mới ra đời mà chưa có trong tiếng Việt, nên phải dùng những thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài khi nói và viết tiếng Việt.
Tình huống này đặt ra yêu cầu cấp bách phải Việt hóa các thuật ngữ đó bằng hai cách: thuật ngữ nào có thể dịch sát nghĩa sang tiếng Việt thì chuyển sang tiếng Việt; thuật ngữ nào khó dịch sang tiếng Việt thì phiên âm sang tiếng Việt như trước đây đã thêm những từ xà phòng, cà phê, nhà ga, lốp xe... từ gốc tiếng Pháp vào từ vựng tiếng Việt.
Những từ phải dùng nguyên tiếng nước ngoài cũng nên phiên âm để thống nhất cách đọc. Ví dụ các từ ASEAN, WTO thường được đọc khác nhau.
Thiết nghĩ giới khoa học, đặc biệt là các hội trong từng lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, cùng với giới báo chí và các nhà nghiên cứu ngôn ngữ nên sớm bắt tay vào việc này, xây dựng và bổ sung cập nhật các từ điển về thuật ngữ khoa học, tiếp nối công việc phát triển từ vựng khoa học tiếng Việt mà cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã đặt nền móng từ trước năm 1945. Công việc này sẽ thu hút được được sự quan tâm đóng góp của xã hội nếu các báo khi dùng từ mới của nước ngoài đều coi trọng việc chuyển ngữ hoặc phiên âm sang tiếng Việt.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là hầu hết các từ có thể được diễn đạt bằng tiếng Việt nhưng nhiều người vẫn thay bằng tiếng Anh, có không ít người còn coi nói tiếng lai là thời thượng, sành điệu. Tiếng lai dạng này cũng xuất hiện trên nhiều báo, mặc dù luật báo chí đề ra một nhiệm vụ của báo chí là phải góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Chẳng hạn trên báo thường dùng các từ như show, live show, hacker ở nguyên dạng (không chú thích tiếng Việt); đài truyền hình gọi người dẫn chương trình là MC, mở thêm kênh TV shopping, thông báo kênh đang test...
Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng dùng tiếng Anh để đặt tên thương hiệu, có khi không kèm tiếng Việt hoặc nếu có chua thêm thì đặt ở vị trí phụ; như Công ty điện gia dụng Robot, Công ty đồ nội thất Home Center, Công ty dịch vụ hành khách đường sắt Five Stars Express, khu du lịch Vinpearl Land...
Có ý kiến cho rằng hiện tượng này không đáng ngại vì nó giúp cho việc học và thực hành tiếng nước ngoài trong thời buổi hội nhập quốc tế. Nghe rất có lý, nhưng phải chăng học ngoại ngữ có thể coi thường tiếng mẹ đẻ, không cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?
Nói tiếng lai tỏ ra ta biết ngoại ngữ nhưng lại bộc lộ là mình kém tiếng Việt; tuy có thể tăng sức nhớ một số từ nước ngoài, nhưng không hẳn có lợi cho việc học ngoại ngữ vì muốn hiểu sâu ngoại ngữ thì phải biết được từ đồng nghĩa hoặc tương ứng trong tiếng Việt; dùng từ tiếng nước ngoài mà không chuyển được thành tiếng Việt thì chưa phải đã nắm chắc ngoại ngữ.
Chứng minh cho điều đó là những người giỏi tiếng nước ngoài rất ít khi dùng tiếng lai; còn những người sính dùng tiếng lai thì hoặc là cho rằng tiếng Việt không đủ sức diễn tả, hoặc là không thật sự hiểu sâu tiếng nước ngoài nên không dịch được sang tiếng Việt.
Muốn thực hành ngoại ngữ thì nên nói, viết hẳn bằng tiếng nước ngoài mà mình học; còn khi nói và viết tiếng Việt thì tránh dùng tiếng lai, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Các cụ xưa gọi người sính dùng chữ gốc Hán là người hay chữ lỏng và có câu nói dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng. 
Ngày nay, bệnh hay nói chữ không chỉ sính dùng từ gốc Hán mà còn biểu hiện ở việc dùng tiếng lai. Trong khi trình độ học vấn của xã hội được nâng cao thì dường như sự trong sáng của tiếng Việt lại bị giảm đi.
Để khắc phục nghịch lý đó, cần có nhiều tiếng nói tạo thành dư luận xã hội xua tan sự lầm tưởng nói tiếng lai là sang, là có văn hóa cao. Đây là trách nhiệm không của riêng ai. Trước hết, mong các nhà ngôn ngữ học, các nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà khoa học lên tiếng, nhà trường, đoàn thanh niên, hội sinh viên vào cuộc để loại trừ sự lố bịch trong việc dùng tiếng lai, góp phần làm cho tiếng Việt khôi phục được sự trong sáng, đồng thời có bước phát triển theo kịp đà tiến bộ của khoa học - công nghệ và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Mọi người hợp sức tạo nên một nếp quen tốt trong cộng đồng, khi có người dùng chen tiếng nước ngoài một cách không cần thiết thì có người nhắc nhở và chỉ dẫn từ Việt có thể dùng thay. Điều đó thể hiện niềm tự hào và ý thức dân tộc.

Tác giả bài viết: NLTon

Nguồn tin: Báo Kinh Tế Saigon số 36-2008

Array
(
    [type] => 8192
    [message] => preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead
    [file] => /home/pwhqfmvb/GiangVien/includes/countries.php
    [line] => 435
)