Trải hương theo gió

Trải  hương  theo  gió
Vào khoảng cuối năm 1988, tôi được đọc một bài viết của bác sĩ Trần Quang Đệ, giáo sư thạc sĩ y khoa và là cựu viện trưởng Viện Đại Học Sài Gòn. Cụ viết mấy lời nhắn nhủ các y sĩ gốc Việt trong một bài đăng trên đặc san của Hiệp Hội Y Sĩ Việt Nam ở Canada. Bài viết bằng tiếng Pháp chứa đầy chân tình của một nhà trí thức nặng lòng với đất nước, trong những tháng năm cuối của cuộc đời, hằng mong sao thế hệ sau tiếp nối công cuộc xây dựng một chương trình bảo vệ sức khỏe tân tiến và hữu hiệu cho quê hương.

Tôi đã dịch lại bài viết sang tiếng nước nhà, và vì tôi coi đó như là lời tâm tình bằng tiếng Việt của  giáo sư Đệ với các môn sinh y khoa, tôi đã cố gắng để không làm sai trật những ý tưởng cao siêu của nguyên bản. Tôi đã gửi bản dịch cho một người bạn là cháu của cụ và sau này bản tiếng Việt đã được đăng trên báo Hồn Việt ở Cali để tớí một số độc giả rộng lớn hơn. Giáo sư Trần Quang Đệ đã mở đầu bài viết bằng câu:
''''Trong buổi chiều tàn bóng xế của cuộc đời, không còn điều kiện để dậy học, cũng không còn hành nghề, tôi thường hay tự hỏi: mình còn làm được điều gì lợi ích?''''
Tôi nghĩ rằng giáo sư Đệ lúc đó đã ngoài tám mươi tuổi, đã là một giáo sư thạc sĩ đi tiền phong giảng dậy nhiều thế hệ bác sĩ y khoa ở Pháp và nhất là đã hy sinh mười lăm năm lợi tức dư giả ở nước người để về nước chấn chỉnh nền đại học quốc gia, nay cụ có thể tự mãn để tìm thú tiêu dao thanh nhàn. Vậy mà theo lời giáo sư Đệ, cụ vẫn còn muốn có cơ hội để góp phần gánh vác nhỏ nhoi, tầm thường của mình cho tập đoàn y sĩ Việt Nam. Cụ viết tiếp theo:
''''Tôi nói tầm thường nhỏ nhoi với hết chân thành vì tôi nghĩ rằng tôi chưa làm tròn bổn phận công dân. Mặt khác, tôi còn thắc mắc trong lòng vì quê hương và dân Việt chưa cằn cỗi và tiêu diệt mà còn phải mãi mãi tồn tại, tiến hoá không ngừng, còn tôi, tuy còn đó mà chẳng thể làm thêm được gì để phụng sự cho quê hương dân tộc. Tôi hy vọng điều gì tôi để lại sau cuộc đời không làm tôi bị liệt vào những kẻ đã làm điều sái quấy đối với quốc gia và điều đó, cùng vơí tình yêu hiến dâng cho nghề nghiệp, làm cho đồng bào và tổ quốc tôi được tốt đẹp hơn.''''
Từ ngày tôi được đọc những lời tâm sự chí tình đó bằng tiếng Pháp, và tự mình ngồi dịch sang tiếng Việt, tới nay cũng đã hơn một giáp, một khoảng thời gian cho một thế hệ trẻ lớn lên, trưởng thành trong nghề nghiệp. Và cũng là một khoảng thời gian đưa cả một thế hệ tráng niên dần về bóng hoàng hôn của cuộc đời. Tuy không phải là một y sĩ nhưng tôi trân trọng lưu giữ bài của giáo sư Trần Quang Đệ vì tôi coi những lời nhắn nhủ của cụ như là những lời khuyên chung cho cả lớp hậu sinh và, từ nhiều năm nay, lúc nào tôi cũng cố gắng trong bổn phận của một người dân gốc Việt đang sống lưu vong, xa quê nhà.
Ở Đại Học Michigan là nơi tôi đã giảng dậy trong ba mươi năm, tuy không có hạn tuổi về hưu cho những giáo sư chính ngạch, nhưng tôi cũng đã xin nghỉ vào đầu mùa xuân của năm 1999. Và cũng như vị thầy tiền bối đã làm cách đây nhiều năm, mới   đây theo lời yêu cầu của một vị chủ nhiệm một tờ báo tranh đấu cho Nhân Quyền tôi đã viết một bài bằng tiếng Anh với đề là: ''''In The Twilight of My Career as an Educator''''. Qua bài viết, nói về cảm nghĩ cuả mình trong ánh hoàng hôn của cuộc đời một nhà giáo, tôi nhìn lại chặng đường đã qua, duyệt những thành quả của thế hệ trẻ Việt đang vươn lên ở hải ngoại, của những thanh thiếu niên, cả nam và nữ mà tôi đã được tiếp xúc và nói chuyện với họ, để rồi tự hỏi rằng: mình còn làm được điều gì lợi  ích cho cộng đồng người Việt [......], và rồi đây cho quốc gia và dân tộc?
Theo đề nghị của ông Viện truởng Đại Học Michigan, trong buổi họp cuối năm 1998, Hội Đồng Nhiếp Chính đã vinh tặng tôi chức vị Professor Emeritus of Aerospace Engineering, một chức vị hoàn toàn có tính cách hành chánh để tôi được tiếp tục hưởng những quyền lợi và xử dụng những phương tiện của đại học như những giáo sư tại chức. Điều này cũng tránh cho tôi phải dùng những danh từ như cựu giáo sư, cựu tư lệnh, ... , và một số những từ khác về những chức vụ đã khoác lên vai tôi dàn trải suốt một nửa thế kỷ kể từ khi bước chân vào đời. Nhưng điều làm cho tôi cảm kích hơn nữa là cùng một lúc tôi nhận được bản tuyên dương của hội đồng, lồng trong khung kính với triện đóng của đại học, và chữ ký của ông Viện trưởng Lee C. Bollinger, một luật gia lỗi lạc về hiến pháp Hoa Kỳ, và cũng là một trong những người đã được những Đại Học Harvard và Columbia chú ý đến và muốn mời vào chức vụ Viện trưởng. Đoạn cuối của bảng tuyên dương được viết như sau:
''''Besides his outstanding career as a researcher and educator, Professor Vinh is widely recognized for his leadership and mentor-ship to the Vietnamese community . A widely-read novelist and poet, he was awarded the prestigious prestigious Vietnam National Literature Prize in 1961. He has been much in demand as a speaker for Vietnamese organizations on such topics as education, culture, society, and the future of Vietnam and the Vietnamese people. He is widely recognized as a role model within the Vietnamese community in North America and elsewhere''''.
Nếu tôi là một giáo sư Việt Học thì chắc không ai thấy ngạc nhiên về câu tuyên dương ở trên. Nhưng vì tôi lại là một giáo sư chuyên giảng dậy và làm khảo cứu về toán học và khoa học không gian nên theo tôi nghĩ thì sự ghi nhận đó đã chứng tỏ rằng những bạn đồng nghiệp và giới chức đại học ở Michigan đã biết tôn trọng những cố gắng ngoại vi của tôi ngoài sự đóng góp chuyên môn vào sự phát triển nền khoa học không gian Hoa Kỳ cả trong hai phương diện huấn luyện và khảo cứu.  Suốt hai thập niên cuối của thế kỷ 20, vào những dịp đi dự những hôị nghị khoa học và thuyết trình theo lời mời của nhiều đại học từ Âu sang Á và Mỹ châu, kể cả hai miền Nam và Bắc Mỹ và xuống cả Úc châu, tới những đô thị nào mà có đông người Việt cư ngụ tôi đều dành thì giờ để tiếp xúc và nói chuyện với người đồng hương, đặc biệt là với giới trẻ, niềm hy vọng cho tương lai sáng lạn của chúng ta. Qua những chuyến đi, tôi đã quan sát và được biết những cố gắng, những đấu tranh và thành công của ngươì Việt ở khắp năm châu.

Tác giả bài viết: Le Ton

Nguồn tin: GS Nguyễn Xuân Vinh

Array
(
    [type] => 8192
    [message] => preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead
    [file] => /home/pwhqfmvb/GiangVien/includes/countries.php
    [line] => 435
)