Chuyên cung cấp tài liệu


Từ khóa cần tìm:

Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Mác-Lênin

Thứ ba - 01/07/2008 08:56
Bác Hồ gặp gỡ các chiến sỹ miền Nam ra thăm Bác

Bác Hồ gặp gỡ các chiến sỹ miền Nam ra thăm Bác

Thuở nhỏ tôi đã từng đọc những câu chuyện kể về Bác Hồ với một tấm lòng kính yêu vô hạn. Qua những câu chuyện đó, tôi cảm nhận được trong tim mình hình ảnh Bác Hồ kính yêu. Bác vĩ đại và cao cả không chỉ vì Bác đã đem về nền độc lập tự do cho nước nhà mà sự vĩ đại còn thể hiện ở lối sống giản dị của một vị Chủ Tịch nước, ở tình thương yêu bao la giành cho mọi người dân Việt Nam.

Khi đã trưởng thành làm việc trong cơ quan nhà nước, được học tập, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh một cách có hệ thống thì những cảm nhận của tôi về sự vĩ đại, sự kính phục đối với Bác Hồ không chỉ xuất phát từ những tình cảm hay cảm tính đơn thuần mà xuất phát từ những phân tích khoa học, đầy đủ và xác thực. Từ đó tôi càng thấu hiểu hơn tầm vóc vĩ đại ở Bác và điều làm cho bác vĩ đại hơn nữa đó là: Từ chủ nghĩa yêu nước bác đã đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, tìm ra con đường cách mạng đúng đắn giải phóng dân tộc Việt Nam.

 Sự kiện ra đi ngày 5/6/1911 tại bến Nhà Rồng của Bác mãi mãi đi vào lịch sử như một minh chứng sống động về lòng yêu nước đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Anh Ba từ Bến Nhà Rồng đi ra Đại Dương, nuôi ước mơ lớn và và mong một ngày trở về giải phóng dân tộc, đem lại hòa bình, hạnh phúc, ấm no cho dân tộc Việt Nam. Anh đã đi và quan sát, rồi sống với những người cùng khổ của các dân tộc khác nhau, từ Ấn Độ Dương, biển Đỏ, Kênh Xuê, qua Địa Trung Hải đến Đại Tây Dương. Từ thực tế của cuộc khảo cứu tìm đường cứu nước Anh đã rút ra kết luận quan trọng: Ở đâu chủ nghĩa thực dân cũng tàn ác và vô nhân đạo, ở đâu giai cấp công nhân và nhân dân lao động cũng bị áp bức, bóc lột rất rã man, tàn khốc các dân tộc thuộc địa đều có một kẻ thù chung là bọn Đế Quốc, thực dân. Từ đó Anh càng thấy được tính cấp bách của việc phá xiềng xích nô lệ đem lại cuộc sống tự do, làm chủ cho mọi người.

 Ra đi với một cảm xúc mạnh mẽ và cuộc khảo sát phong phú của Anh ở khắp nơi trên thế giới vào buổi đầu của thế kỷ hai mươi, càng đi, càng trãi qua nhiều khó khăn gian khổ, Anh càng có ý chí, nghị lực lớn để rèn luyện mình và vươn tới lý trưởng cao đẹp mà Anh đã lựa chọn. Năm 1917 Anh trở lại Pháp. Nơi đây nhiều nhà cách mạng từ khắp nơi trên thế giới đã đến để nghe những bài học lịch sử và đã nhìn thấy tia sáng cho tư duy và phương pháp hoạt động của mình, rút ra từ nơi ấy những kinh nghiệm và bài học thực tế cần cho cuộc đấu tranh ngày mai.

 C.Mác đến Pari tháng 11/1843. Học thuyết của Ông về cuộc đấu tranh giai cấp hình thành chủ yếu do kinh nghiệm ở Pháp, đặc biệt là từ Công Xã Pari. Tiếp đó Ph.Ănghen đến Pari để nghiên cứu phong trào công nhân Pháp và đã có những suy nghĩ độc đáo là: Ở đây, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản thống trị diễn ra gay gắt, quyết liệt chưa từng có như vậy. Và giai cấp vô sản không phải là một vết thương nhơ bẩn của xã hội như cách suy nghĩ, nhìn nhận như của một vài nhà triết học mà chính giai cấp vô sản mới là giai cấp cách mạng nhất sẽ đem lại chủ nghĩa xã hội, đem lại cuộc sống độc lập, tự do cho nhân loại. Sau đó V.I. Lênin cũng đến Pari. Ông đã nhìn thấy phong trào công nhân Pháp tiến tới cách mạng vô sản Pháp. Ở Pari, V.I. Lênin viết bài ca ngợi Công Xã Pari là hành động đầu tiên của cách mạng vô sản để đập tan bộ máy nhà nước tư sản, là hình thức chính trị đã được tìm ra mà người ta có thể dùng để thay thế bộ máy thống trị cũ. Sau nữa Anh Ba đến Pari với tên gọi mới: Nguyễn Ái Quốc. Lần này đến Pari chứng tỏ Nguyễn Ái Quốc là người đã nắm bắt thời cuộc, hiểu nhanh mọi sự kiện và đưa Người đến ngày càng gần hơn những quan điểm tiến bộ nhất của thời đại.

 Ở Pari, giữa những ngày ác liệt của chiến tranh thế giới thứ nhất, Người đã hòa vào cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Pháp. Người đã tham gia Đảng xã hội Pháp và lập ra Hội những người Việt Nam yêu nước để tuyên truyền và giác ngộ Việt Kiều ở Pháp. Người đã trở thành linh hồn của Hội với tất cả sự nhiệt tình, đức tính kiên trì và tầm nhìn sáng suốt. Người đã cống hiến cho Hội và cho hoài bão lớn lao của mình. Vừa hoạt động chính trị, vừa phải kiếm sống vất vả, nhưng Người luôn lạc quan và không một chút xa rời mục tiêu đấu tranh của mình. Người tập viết báo, phân phát truyền đơn tại các cuộc họp để tố cáo tội ác thực dân Pháp ở thuộc địa. Người tận dụng mọi diễn đàn khi có điều kiện và cả ở những cuộc mít tinh đến những buổi thảo luận ở câu lạc bộ ngoại ô Pari, để hướng sự chú ý của mọi người về vấn đề Đông Dương nơi có quê hương Việt Nam của Người, nơi mà dân tộc của Người đang sống một cuộc sống lầm than dưới sự thống trị của Thực Dân xâm lược.

 Giữa những ngày hoạt động sôi nổi thì cách mạng tháng Mười năm 1917 bùng nổ và thành công ở nước Nga. Đã đánh đuổi bọn bóc lột, bọn Phát Xít, chà đạp dân tộc của họ, giành lại chính quyền, xây dựng đất nước. Người chưa hiểu hết thế nào là chủ nghĩa Bôn-sê-vích và con người Bôn-sê-vích, Người chỉ biết rằng dân tộc Nga vùng dậy lật đổ chế độ cũ, làm chủ vận mệnh của mình mà đứng đầu là V.I. Lênin. Điều đó đã tác động đến Người rất lớn, bởi Người là một người dân mất nước lại đang khao khát tìm lối thoát cho dân tộc của mình. Bởi vậy ngay từ đầu cách mạng tháng Mười đã là nguồn cổ vũ, là niềm hy vọng lớn tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ, khuyến khích để Người tiếp tục công cuộc cứu nước, cứu dân tộc của Người mà Người đang thực hiện. Và bằng hành động cụ thể vào năm 1919, các nước tham chiến họp Hội nghị tại Vécxây-Pari. Thay mặt những người Việt Nam yêu nước Người đã gửi đến hội nghị bản yêu sách với 8 điều đòi tự do, dân chủ và quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam. Mặc dù bản yêu sách không được các nước tham dự hội nghị đả động đến, nhưng Người coi đây là dịp để vạch tội ác của chủ nghĩa Thực Dân và gây dư luận trên thế giới để làm cho mọi người biết có một dân tộc Việt Nam đang đòi quyền sống, quyền tự do. Cũng từ đây Người rút ra kết luận: muốn được độc lập, tự do thực sự, các dân tộc bị áp bức bóc lột phải dựa vào sức mình là chính, người Việt Nam phải tự giải phóng lấy dân tộc mình. Kết luận ấy có lý luận và thực tiễn rất quan trọng vì nó soi sáng con đường đấu tranh cách mạng cho dân tộc ta và các dân tộc thuộc địa bị áp bức khác.

 Vào năm 1919 trong Đảng Xã Hội Pháp diễn ra một cuộc tranh luận gay gắt: nên hay không nên gia nhập Quốc Tế Cộng Sản do V.I. Lênin lãnh đạo. Từ đấy người thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Tất Thành đã nhận thấy: Quốc tế Cộng Sản ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Đó là điều anh Nguyễn quan tâm nhất và cũng là lý do chính đáng để đến gần với Chủ Nghĩa Mác-Lênin hơn.

 Sau 9 năm rời tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, bắt gặp tờ báo đăng Luận Cương của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, từng chữ, từng dòng quý giá hiện ra trước mắt anh. Anh Nguyễn đã đọc đi, đọc lại nhiều lần và đã hiểu ra ý nghĩa chính trong Luận Cương mà V.I Lênin đã viết: Điều quan trọng nhất trong chính sách của Quốc Tế Cộng Sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa phải làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản(1). Tất cả các Đảng Cộng Sản phải trực tiếp ủng hộ các phong trào cách mạng của những dân tộc phụ thuộc hoặc không được hưởng đầy đủ quyền bình đẳng và các thuộc địa. Nếu không có điều kiện quan trọng vừa nói trên, thì cuộc đấu tranh của những dân tộc phụ thuộc và của các thuộc địa chống áp bức cũng như việc thừa nhận quyền phân lập nhà nước của họ, chỉ là những chiêu bài dối trá, như vẫn thường thấy trong các đảng của Quốc tế II(2). Không có sự cố gắng tự nguyện tiến tới sự liên minh và sự thống nhất của giai cấp vô sản, rồi sau nữa của toàn thể quần chúng cần lao thuộc tất cả các nước và các dân tộc trên toàn thế giới, thì không thể chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản được(3).

 Luận cương của Lênin mở ra trước mắt anh Nguyễn một chân trời mới rực rỡ và giải đáp cho anh con đường giành độc lập, tự do cho dân tộc. Luận cương ấy làm cho anh xúc động, tin tưởng, vui mừng đến rơi lệ và anh đã nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta(4).

 Theo hiểu biết của anh Nguyễn, Lênin là người đầu tiên kiên quyết lên án mọi thành kiến đối với nhân dân các nước thuộc địa, những thành kiến ăn sâu trong xương tủy nhiều công nhân và nhiều nhà hoạt động chính trị Âu, Mỹ; V.I. Lênin là người đầu tiên nêu bật ý nghĩa quan trọng của việc giải quyết đúng đắn vấn đề thuộc địa đối với cách mạng thế giới; là người đầu tiên chỉ ra rằng, nếu không có nhân dân các nước thuộc địa tham gia thì không thể có cách mạng xã hội; là người đầu tiên vạch rõ sự cần thiết kết hợp cuộc đấu tranh của nhân dân và vô sản thuộc địa với cuộc đấu tranh của nhân dân và vô sản chính quốc. V.I. Lênin đã tạo ra bước ngoặt trong lịch sử đau khổ của nhân dân các nước thuộc địa.

 Từ đây anh Nguyễn hoàn toàn tin theo V.I. Lênin, theo Quốc tế thứ ba(5). Ở các cuộc tranh luận chính trị của Đảng, anh nói rất sôi nổi tất cả những ý nghĩ của mình, phê phán những ý kiến chống lại Lênin và Quốc Tế Cộng Sản. Anh thường đặt câu hỏi với những người đó: Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì?(6).

 Lập trường chính trị của anh Nguyễn giờ đây đã hoàn toàn vững vàng và hết sức rõ ràng. Tại Đại Hội Tua tháng 12-1920, anh đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng Sản và thành lập Đảng Cộng Sản Pháp. Giờ phút ấy xuất hiện người cộng sản Việt Nam đầu tiên là Nguyễn Ái Quốc và anh thanh niên Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước chính thức đến với chủ nghĩa Mác-Lênin.

 Nhiều năm bôn ba khắp các châu lục tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu nhiều cuộc cách mạng lớn trên thế giới như cuộc cách mạng Mỹ, cuộc cách mạng Pháp¦ Nhưng Người đều nhận thấy: đó là những cuộc cách mạng không đến nơi, tiếng là cộng hòa, dân chủ. Kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa và cách mệnh đã bốn lần rồi mà nay công nông Pháp hãy còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức(7).Còn khi tiếp xúc với cách mạng tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc hiểu và tin cuộc cách mạng này đã thành công và dân chúng sẽ được hưởng hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật sự, không như thứ tự do, bình đẳng giả dối như thực dân Pháp khoe khoang ở An Nam.

 Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là một sự tình cờ, ngẫu nhiên mà đó là kết quả của một quá trình khảo sát, tìm tòi, học hỏi lâu dài đầy gian nan thử thách, thông qua phân tích thực tế. Đồng thời cũng là sự thể hiện bản lĩnh kiên cường, trí tuệ, tầm nhìn thời địa. Đánh dấu sự kết hợp giữa lòng yêu nước của Nguyễn Ái Quốc không còn là lòng yêu nước xuất phát từ tình cảm, cảm tính tự nhiên của giống nòi mà nó đã nâng lên một tầm cao hơn đó là mang tính khoa học và tính thời đại. Nó đảm bảo cho Nguyễn Ái Quốc thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam.

 Đến năm1960, trong bài viết: con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa V.I Lênin,Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết một quá trình hoạt động của mình, đó là: Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là Chủ Nghĩa Cộng Sản đã đưa tôi tin theo V.I. Lênin và chủ nghĩa V.I.Lênin đối với chúng ta, nhưng người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không chỉ là cẩm nang thần kỳ, là kim chỉ nam, là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới Chủ Nghĩa Xã Hội, Chủ Nghĩa Cộng Sản.

 Ngày nay, Đảng ta vẫn kiên trì xác định: Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam để tiếp tục sự nghiệp cách mạng vĩ đại do Bác Hồ lựa chọn, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là hoàn toàn có cơ sở và chúng ta tin tưởng rằng đất nước chúng ta sẽ đi đến đích.

Tác giả bài viết: Trần Thị Lệ Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 
(Chú ý: Website đang trong giai đoạn hoạt động thử nghiệm, đang định xin giấy phép MXH của Bộ TT & TT)
Lên đầu trang
Array
(
    [type] => 8192
    [message] => preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead
    [file] => /home/pwhqfmvb/GiangVien/includes/countries.php
    [line] => 435
)