Chuyên cung cấp tài liệu


Từ khóa cần tìm:

Ân nhân lạ của Mười Triệu

Thứ năm - 18/09/2008 12:54
Ân nhân lạ của Mười Triệu

Ân nhân lạ của Mười Triệu

Trên điện thoại là giọng của một thanh niên nhỏ nhẹ, khiêm nhường: ... xin lỗi vì đã làm phiền anh. Xin anh giúp tôi nối liên lạc với chú Mười Triệu bằng điện thoại. Tôi muốn nói chuyện với chú ấy. Ngày nào cũng được, miễn là sau 10 giờ sáng. Tôi tên D.. Đó là khởi đầu câu chuyện nhân ái đầy cảm kích mà tôi đã may mắn chứng kiến từ đầu.

Mười Triệu là một trong những nhân vật trong loạt bài Đi học ở miền Tây mà nhật báo Tuổi Trẻ đã khởi đăng từ hôm 24 đến 28-8-2008. Vợ chồng người nông dân này có ba con gái xinh xắn, thông minh và học giỏi, nhưng hai đứa phải lần lượt bỏ học ở tuổi 13, 14 vì nghèo. Con gái út của Mười Triệu là Phan Mộng Như năm nay 11 tuổi cũng đang trong nguy cơ rời xa ghế nhà trường.
Nhiều độc giả động lòng, gửi áo quần, sách vở hỗ trợ Mười Triệu và trẻ con cùng xóm anh (ấp 19, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, Cà Mau). Chỉ riêng D. là xin được nói chuyện với Mười Triệu, một yêu cầu có vẻ chẳng ý nghĩa gì.
Lời hứa... khói mây
Mười Triệu trên xe đò đi tìm ân nhân ở Tiền Giang
Thứ sáu (29-8-2008), tôi trở lại nhà Mười Triệu. Nắng vàng chiếu sáng một góc rừng tràm U Minh Hạ, khói bếp nhà ai bay lãng đãng như mây. Mười Triệu đưa hai bàn tay bám đầy bụi than đen đúa quệt vào quần, cười tươi tắn: Con Như đi học rồi. Cũng nhờ các anh động viên nên tôi gắng. Tội nghiệp, hôm tôi mua bộ sách về cho con bé, nó bỏ ăn cơm chiều để nắn nót bao bìa, dán nhãn cho bộ sách mới. Con bé lạ kỳ, nó thích cái mùi giấy mới, cuốn nào cũng giở ra hửi hết trơn!.

Khi nghe chúng tôi báo tin trong vài ngày nữa sẽ có đoàn người từ TP.HCM đến đây để hỗ trợ sách vở, áo quần cho học sinh nghèo, vợ chồng Mười Triệu mừng ra mặt. Bé Mộng Cầm (con gái thứ ba của Mười Triệu) lắc vai mẹ nài nỉ: Nếu con được cho sách vở, mẹ cho con đi học lại nghe mẹ!. Chị Mười giả lả chưa hứa, từ từ tính. Mộng Cầm đã nghỉ học từ hai năm trước ở đầu lớp 5 chỉ vì không có sách vở. Những ngày đầu nghỉ học, bé đã khóc và bỏ ăn mấy ngày liền, đến bị mẹ đánh đòn mới chịu ra khỏi buồng ngủ ăn tí cháo.
Tôi gọi điện cho anh D. để D. nói chuyện với Mười Triệu. Không biết họ nói với nhau những gì, nhưng khi trả điện thoại lại cho tôi, mặt Mười Triệu trở nên ngờ nghệch, miệng há hốc. Rất lâu anh mới nói ra lời: Ông ấy bảo sẽ cho tôi 15 triệu đồng để làm ăn. Mặt chị Mười cũng biến sắc, giọng run run: Ông nói sao? Ai cho tiền mình?. Mười Triệu đáp: Cái ông trong điện thoại, tôi có biết ai đâu. Điện thoại tôi reo. Là D. gọi. Cũng cái giọng khiêm nhường, không chút lửa, D. nói: Anh đã làm ơn thì làm ơn cho trót. Thứ hai này anh giúp tôi dẫn chú Mười Triệu lên ngã ba Trung Lương, Tiền Giang. Tôi có một ít tiền dành dụm bấy lâu, muốn cho chú ấy làm ăn để nuôi các cháu học hành.
Chiều chủ nhật (31-8-2008), Mười Triệu rời U Minh ra TP Cà Mau. Chỉ cách có hai ngày đêm mà trông anh già thêm vài tuổi, mái tóc bạc trắng hơn. Anh thú thật hai đêm qua thức trắng vì lời hứa tựa mây khói của D.. Bởi anh không tin trên thế gian này có người đem tiền cho không người khác. Anh không tin rồi mình sẽ có được 15 triệu đồng. Anh tên là Mười Triệu nhưng đến tận hôm nay, đã 40 tuổi đời mà chưa bao giờ anh được nhìn thấy (chứ đừng nói là sở hữu) số tiền cỡ tên mình. Một lý do khác khiến anh thức trắng là sợ bị gạt.
Vợ anh cười nắc nẻ bảo: Người ta gạt để lấy cái quần cụt nhăn nhúm của ông hay sao!. Anh vẫn ngờ ngợ rồi sáng ra đi hỏi ông Ba Bình hàng xóm. Ông Ba nghe hỏi, trầm ngâm rất lâu mới kết luận coi chừng họ dụ mày lên trển để bắt cóc bán vào lầu son.... Và không ai tìm ra được lý do để người tên D. gạt Mười Triệu nên bà con bèn góp tiền được 300.000 đồng cho Mười Triệu làm lộ phí.

Từ 5 giờ sáng, chúng tôi khởi hành từ Cà Mau đi Tiền Giang. Suốt bảy giờ ngồi xe đò, hình như Mười Triệu không nháy mắt. Lúc nào anh cũng say mê ngắm cảnh, thỉnh thoảng lại há hốc mồm vì những điều mới lạ mà đã hơn nửa đời người anh mới được nhìn thấy lần đầu. Đó là xe cộ đông đúc, chợ búa sầm uất, những nhà máy công nghiệp, phà Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận, những quán cơm đông khách...
Tại một quán cơm cặp quốc lộ 1A thuộc tỉnh Sóc Trăng, anh quên ăn để nhìn khách. Đến khi xe nổ máy thì anh mới sực nhớ mình chưa đi tiểu. Lúc anh vào nhà vệ sinh, ông chủ quán cơm thấy cái nón kết của anh bỏ quên đã đem ra xe đưa cho bác tài. Khi trở vào, thấy mất nón anh la toáng lên như người ta bị mất vàng. Hành khách nhìn cái nón kết cả chục tuổi của anh chỉ biết lắc đầu.
D. xuất hiện sau hơn nửa giờ tôi và Mười Triệu ngồi chờ ở một quán nước bên đường gần ngã ba Trung Lương (Tiền Giang). Ăn mặc bình dị, phong cách khiêm tốn, D. ngồi quán cóc trò chuyện với chúng tôi. Sau một lúc ngỡ ngàng nhìn D. trân trân từ đầu đến chân, Mười Triệu mới lột cái nón kết trên đầu xuống. Chú lột nón trông mới giống hình đã đăng trên báo - D. nói.
Nhờ số tiền của anh D., Mười Triệu cho con gái đã bỏ học hai năm là Phan Mộng Cầm trở lại trường học. Anh điện thoại báo với tôi, con bé đã khóc òa khi nghe cha nói ngày mai cha đi đăng ký cho con trở vào học lớp 5.
D. không hỏi thăm nhiều về hoàn cảnh của Mười Triệu, mà anh chỉ kể về mình. D. bảo mình ra đời làm ăn rất sớm, lúc mới 15 tuổi. Sau bao thăng trầm, nay D. đã tạm ổn định với một cơ sở kinh doanh dịch vụ tại TP Mỹ Tho. Từ gần ba năm qua, kể từ ngày dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ, tôi chỉ không làm việc đúng vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán, còn lại 364 ngày trong năm đều phải làm việc từ 4 giờ sáng đến 1 giờ khuya... - D. nói.
Mười Triệu lại há hốc mồm như lúc ngồi trên xe đò xem cảnh vật lạ. Hình như anh đang nuốt từng lời của D.. D. quay sang Mười Triệu, cười hiền: Mình chí thú làm ăn, làm hết mình, làm quyết liệt thế nào thì trời cũng thương thôi chú Mười! Đây, con gửi chú ít tiền làm vốn. Chú gắng cho các em học, ít chữ như cháu cực hơn trâu!. Tay Mười Triệu run rẩy khi nhận cục tiền 15 triệu đồng từ D.. Anh xúc động nghẹn lời đến không nói được từ cảm ơn.
Trước khi lên xe máy hòa vào dòng người đông đúc trên quốc lộ, D. nói: Việc này chỉ ba chúng ta biết thôi nghen. Vì đây là khoản dành dụm riêng của em, mấy ông cán bộ hay gọi là quỹ đen đó. Vợ em cũng rộng lượng lắm, nhưng bả là đàn bà, khác chúng ta. Sợ bả biết bả cằn nhằn mất công. Thôi, chú và anh về khỏe! Mai mốt có gì khó khăn chú Mười cứ gọi cho con.
Trên đường trở về Cà Mau, Mười Triệu không ngớt lời nhắc về D.. Anh nhớ sâu sắc câu chuyện mà D. kể về cái lần đụng phải một khách hàng khó tính. D. trẻ mà quá giỏi, kiên trì dữ dằn, hèn chi giàu. Tôi mà bị khách hàng chửi như D. kể chắc tôi chửi lại. Anh có nhớ rõ câu chuyện D. kể không? - tôi hỏi.
Mười Triệu trợn mắt khẳng định: Sao không. Tôi kể lại cho nghe nghen. Không cần tôi có nghe hay không, Mười Triệu vẫn kể. Đúng là anh nhớ không sót một chi tiết nào. Câu chuyện ấy như sau: Một khách hàng khó tính đã mắng D. vì D. cung cấp dịch vụ không như ý mình. D. xin lỗi nhưng vị khách vẫn cứ mắng, mắng đến độ D. rớt nước mắt mới thôi.
Nhưng sau đó, chính vị khách ấy đã tìm đến D. xin lỗi vì những lời mắng nhiếc quá đáng của mình. Ông cũng bày tỏ lòng thán phục D. về tính nhẫn nại và có trách nhiệm với khách hàng. Và ông đã trở thành khách hàng lớn của D. đến ngày nay. Gặp D. có một chút mà như đi học khôn mấy năm trời. Tôi đã học được từ D. nhiều điều hay. Tôi sẽ kể cho vợ con nghe về D. - Mười Triệu xúc động nói.

NHƯ Ý

(Thứ Tư, 17/09/2008, 08:17)

Tác giả bài viết: NLTon

Nguồn tin: Tuổi Trẻ cuối tuần 14-09-2008

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
nhockute.1208 - 15/12/2010 16:33
nếu thế giới này ai cũng có tấm lòng nhân ái, biết yêu thương người khác thì cuộc sống thật đẹp biết bao...
tôi rất khâm phục những Mạnh Thường Quân như vậy.
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
(Chú ý: Website đang trong giai đoạn hoạt động thử nghiệm, đang định xin giấy phép MXH của Bộ TT & TT)
Lên đầu trang
Array
(
    [type] => 8192
    [message] => preg_replace(): The /e modifier is deprecated, use preg_replace_callback instead
    [file] => /home/pwhqfmvb/GiangVien/includes/countries.php
    [line] => 435
)